Hôm nay, (2/8) UBND tỉnh Đăk Nông tổ chức Hội nghị đánh giá thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Đăk Nông, giai đoạn 2016 – 2020. Bên cạnh những kết quả tích cực, hội nghị cũng cho thấy, tình trạng di dân phức tạp đang là lực cản đối với công tác giảm nghèo ở địa phương.
Dân di cư tự do đang khai hoang trồng mì tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, Đắk Nông. (Ảnh: Sài gòn Giải phóng) |
Theo thông tin hội nghị, chương trình giảm nghèo tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2016-2018 được thực hiện có hiệu quả, với tổng kinh phí 340 tỷ đồng từ chương trình 135, chương trình 30A cùng các dự án, đề án, vốn tín dụng y tế, giáo dục, hỗ trợ học sinh sinh viên.
Việc đầu tư các nguồn lực được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên thực hiện cho các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, các nhóm đối tượng dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2019, giảm 5,69% so với năm 2016 với hơn 21.000 hộ thoát nghèo.
Thách thức lớn nhất đối với công tác giảm nghèo của Đăk Nông hiện nay là vấn đề dân di cư tự do. Tỉnh Đắk Nông hiện còn hơn 11.500 hộ, với gần 51.800 khẩu dân di cư ngoài kế hoạch chưa được bố trí, sắp xếp ổn định cuộc sống. Việc khó kiểm soát tình trạng dân di cư dẫn đến công tác điều tra, rà soát, công nhận hộ nghèo tại các địa phương gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, ở những huyện có tình trạng di cư phức tạp, như Tuy Đức, Đăk Glong, dù tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực cho giảm nghèo, thì tỷ lệ nghèo vẫn cao, chiếm trên 50%.
Ông Trần Viết Cự, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Đức nêu ý kiến: “ Địa bàn Tuy Đức thì rộng, dân cư thưa thớt, việc phát triển cơ sở hạ tầng gặp rất nhiều khó khăn, việc đầu tư cho hạ tầng giao thông nông thôn vốn thì rất lớn nhưng người dân hưởng lợi không nhiều. Tình trạng dân di cư tự do ở ngoài phía bắc vào từ khi tách huyện đến nay gần 12 ngàn người, riêng 6 tháng đầu năm là gần 2 ngàn khẩu, việc đảm bảo an sinh xã hội gặp rất nhều khó khăn”
Theo Lãnh đạo UBND tỉnh Đăk Nông, để nâng cao hiệu quả giảm nghèo thời gian tới, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh phải tìm ra các giải pháp mới để giúp đỡ người nghèo hiệu quả, giúp bà con nâng cao hiệu quả sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Cùng với việc xây dựng mô hình sản xuất giỏi, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải triển khai các hoạt động để người nghèo có điều kiện học tập kinh nghiệm làm ăn, cách thức sản xuất và cách thức thoát nghèo, vươn lên làm giàu./.Dân di cư đến các tỉnh Tây Nguyên đã giảm nhưng vẫn khó kiểm soát