Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đến nay đa số các tỉnh, thành phố đã cho học sinh chuyển sang hình thức học trực tuyến. Tại Hà Nội, Sở GD-ĐT cũng đã ra thông báo từ ngày 17/2, học sinh tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học, các trường chuyển sang hình thức học online. Tuy nhiên, sau 2 ngày thực hiện, nhiều phụ huynh phản ánh việc học của con vẫn “lúng túng”, chưa thực sự hiệu quả.
Anh Nguyễn Văn Cường có con đang học lớp 7 tại 1 trường thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, buổi sáng, tiết học trên phần mềm Zoom bắt đầu từ 7h45, nhưng mạng liên tục bị gián đoạn, đến khi con truy cập được thì đã gần hết giờ.
“Cả buổi học hầu như con không học được mấy mà chỉ loay hoay vì mạng bị ngắt, lúc nghe được lúc không. Ngày học online đầu tiên sau Tết, cô giáo thông báo sĩ số của lớp chỉ đạt 1 nửa”, anh Cường cho hay.
Chị Trần Thanh Vân (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, từ ngày 17/2 hai con của chị đã bắt đầu công cuộc tự học online tại nhà mà không có sự hỗ trợ của bố mẹ. “Cháu lớn học lớp 6 nhà trường đã đầu tư mua phần mềm riêng của Microsoft nên học khá ổn. Trong đó chia thành các phòng học cụ thể, tiện cho các con vào học và cô quản lý dễ dàng hơn, phần mềm ổn định, không bị ngắt quãng. Trong khi đó, bé thứ 2 học lớp 2 vẫn học qua phần mềm miễn phí zoom, nên thường xuyên xảy ra tình trạng ngắt giữa chừng, tín hiệu không tốt. Nhiều khi mạng bị gián đoạn, cô chỉ kịp điểm danh, yêu cầu lớp trật tự đã hết nửa tiết học”, chị Vân cho hay.
Ngoài vấn đề kỹ thuật, phụ huynh này cũng cho biết, chị chưa thực sự yên tâm với chất lượng học online. Với con lớn của chị mới vào lớp 6, có nhiều môn học mới khác so với chương trình tiểu học, ngay cả quá trình học trực tiếp trên lớp, con vẫn còn nhiều bỡ ngỡ. Do đó, khi triển khai học trực tuyến, chị Vân không khỏi lo ngại về chất lượng. Bên cạnh đó, với bé thứ 2 hiện đang học lớp 2, nhà trường xếp lịch học online ban ngày. Chị Vân cho rằng, ở độ tuổi này, trẻ còn khá bé, tinh thần tự giác học, khả năng tập trung trong nhiều giờ liền chưa cao, thời gian ban ngày bố mẹ vẫn phải đi làm, không có người kèm cặp, hỗ trợ việc học sẽ rất khó.
“Bình thường con đã khá hiếu động, nên nếu không có bố mẹ, bắt con ngồi học trước máy tính nhiều giờ liền là rất khó, khả năng tiếp thu bài không cao. Thậm chí sau 2 buổi học đầu tiên, cô giáo cho biết, có con vừa học vừa ngủ gật trong lớp online”, chị Vân cho hay.
Cả bố mẹ đều đi làm, ông bà lại ở xa, từ khi nhà trường thông báo chuyển sang học trực tuyến, con trai chị Nguyễn Thị Hiền (Long Biên, Hà Nội) đều tự học online ở nhà một mình.
“Vừa trải qua kỳ nghỉ Tết dài hơn 1 tuần, nên bắt đầu học online, lại ở nhà một mình, con cũng cảm thấy uể oải, không hào hứng học. Việc học qua zoom còn bị gián đoạn, ngắt quãng. Buổi học đầu tiên con không bật được mic, nên cả buổi chỉ ngồi nghe cô giảng mà không được phát biểu nên càng chán hơn. Bên cạnh đó, ở độ tuổi còn khá nhỏ, các con ngồi cả buổi trước màn hình máy tính tự học mà không có sự giám sát của bố mẹ là không hiệu quả. Chưa kể thường ngày phải hạn chế con sử dụng các thiết bị như ipad, điện thoại, máy tính, thì nay con lại có cơ hội thoải mái dùng cả ngày. Ngoài việc ảnh hưởng đến thị lực, thì tôi cũng rất lo ngại con có thể vào những trang web xấu, không phù hợp với lứa tuổi”, chị Hiền chia sẻ.
Phụ huynh này cũng kiến nghị, với những trẻ nhỏ tuổi từ lớp 3 trở xuống, các trường nên sắp xếp thời gian học buổi tối để bố mẹ có nhiều thời gian kèm cặp, hỗ trợ để việc học hiệu quả hơn.
Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, để việc dạy và học trực tuyến đảm bảo chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị, nhà trường cập nhật hàng ngày số lượng, tình hình học sinh học tập ở từng môn học, quan tâm hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chưa có thiết bị học tập.
Riêng với học sinh lớp 1, do các em còn nhỏ, lại là năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở yêu cầu các trường ưu tiên chọn khung giờ tốt nhất để dạy trực tuyến, phối hợp với phụ huynh để hỗ trợ nhiều nhất cho việc học tại nhà của các em. Bên cạnh đó, các trường cũng cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá để điều chỉnh kịp thời phương pháp tổ chức dạy học.
Với các khối lớp khác, các nhà trường xây dựng thời khóa biểu với tất cả các môn học, dạy học đủ các nội dung theo hướng dẫn, lự chọn hình thức dạy học phù hợp để thực hiện các nội dung thí nghiệm, thực hành…/.