Trước việc có ý kiến “Có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT” của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, chiều 1/8, Bộ GD-ĐT đã có cuộc gặp gỡ với một số báo chí để bày tỏ quan điểm. Bộ GD-ĐT cũng khẳng định: Năm 2014 vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Tại cuộc họp do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 31/7/2013, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đến dự theo dõi và có bài phát biểu quan trọng về tình hình và các giải pháp phát triển giáo dục. Trong đó Phó Chủ tịch nước có nêu vấn đề đề nghị ngành giáo dục suy nghĩ, nghiên cứu và trả lời: “Có nên bỏ kì thi tốt nghiệp THPT?”. Đây mới chỉ là đề nghị ngành suy nghĩ, nghiên cứu chứ không phải là đề xuất bỏ kì thi tốt nghiệp THPT”.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Ảnh: Viết Hảo/Dân trí. |
Sự cần thiết của kì thi tốt nghiệp THPT
Cũng theo Thứ trưởng Hiển, vấn đề thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH nói riêng và thi - kiểm tra, đánh giá nói chung trong nhà trường phổ thông là một trong những mắt xích quan trọng của quá trình dạy học, có tác động lớn đến việc dạy và học cũng như liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của nhiều đối tượng xã hội. Thi tốt nghiệp THPT là một trong những khâu quan trọng nhất của quá trình dạy học. Việc thi tốt nghiệp không chỉ đem lại kết quả để quyết định học sinh đỗ hay trượt tốt nghiệp THPT, mà thi tốt nghiệp THPT còn có chức năng khuyến khích, tạo động lực cho người học, giúp người học tiến bộ không ngừng; cung cấp cho giáo viên, nhà quản lý những thông tin phản hồi hữu ích, giúp điều chỉnh quá trình dạy học và quản lý để cùng đạt mục tiêu dạy học ngày càng cao.
“Đây là kì thi cuối cùng trong giai đoạn giáo dục phổ thông nên nó càng quan trọng và cần thiết, cho dù các kì thi số thí sinh trượt tốt nghiệp chiếm một tỷ lệ nhỏ. Chính vì thế từ lâu vấn đề này đã trở thành điểm nóng, thu hút nhiều trí lực, gây nhiều boăn khoăn trăn trở cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục” - Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh.
Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, trong những năm qua, thực hiện quán triệt tinh thần Chỉ thị số 33 Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, kỳ thi tốt nghiệp THPT ở nước ta những năm qua đã từng bước được nghiên cứu, cải tiến theo hướng ở tất cả các khâu ra đề, coi, chấm thi và nhận xét đánh giá; chú trọng việc tổ chức thi và kiểm tra nghiêm túc, đúng quy chế, đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực thực chất của học sinh trung học. Tăng quyền chủ động và nâng cao trách nhiệm của các Sở GD-ĐT trong việc thành lập các hội đồng coi thi, chấm thi, thanh tra, xét duyệt kết quả tốt nghiệp. Với những cải tiến, đổi mới nêu trên, cùng với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, chất lượng giáo dục phổ thông đã có chuyển biển theo hướng tích cực. Vì vậy, kết quả kì thi tốt nghiệp THPT ngày càng chính xác hơn.
Tuy nhiên, việc cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT như thế nào cho gọn nhẹ, hiệu quả mà vẫn đảm bảo được mục tiêu và yêu cầu của kiểm tra đánh giá, thi cử là vấn đề khó, cần giải quyết một cách đồng bộ với các yếu tố cơ bản khác của chương trình giáo dục (mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học), các điểm khác của quá trình dạy học; đổi mới có lộ trình, trên cơ sở nghiên cứu một cách thận trọng.
Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông nhằm xác nhận chất lượng và hiệu quả đầu tư quốc gia; còn tuyển sinh vào ĐH, CĐ thường giao quyền tự chủ cho các nhà trường. Có nước đã thực hiện việc bỏ kì thi tốt nghiệp như Nga hiện nay đang cân nhắc việc khôi phục trở lại kì thi này. Nhưng cũng có những nước đang cân nhắc việc bỏ kì thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, việc có duy trì hay không kì thi tốt nghiệp THPT cần được nghiên cứu, cân nhắc rất kỹ.
Bỏ kì thi không phải là cái đích hướng đến
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển bộc bạch: “Nếu chúng ta nghĩ giải quyết các vấn đề bằng cách bỏ kì thi thì quả là quá đơn giản. Chúng ta phải xác định được có nên bỏ hay không? Nếu nhà quản lý mà cứ thấy cái gì không làm được thì lại bảo bỏ thì có nên chăng. Theo quan điểm của tôi, nếu điều đó tốt thì cố mà làm, còn chưa làm tốt được thì phải phấn đấu để làm tốt hơn. Quản lý mà thấy bức xúc lại không giải quyết thì cũng không phải, việc bỏ hay không cũng chỉ là một trong những phương án chứ không phải cái đích để giải quyết”.
Trước câu hỏi của PV về việc, kết quả thi tốt nghiệp những năm gần đây liên tục tăng thì liệu kì thi tốt nghiệp THPT đã nghiêm túc và thực chất hay chưa, Thứ trưởng Hiển thẳng thắn nhìn nhận: “Với tỷ lệ tốt nghiệp của các địa phương cao chót vót như hiện nay trong điều kiện dạy học hiện tại thì có thể khẳng định là chưa thực chất. Ngành đã cố gắng làm nghiêm nên năm vừa rồi hầu hết các tỉnh/thành đều có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giảm. Việc đến bao giờ kết quả mới thực chất thì rất khó có câu trả lời. Tuy nhiên có một điều chắc chắn, khi chất lượng đang bị giả mà cao quá so với thực chất thì khi chúng ta làm nghiêm thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ giảm, nhưng khi điều kiện tổ chức dạy học càng tốt thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thực chất sẽ lên. Chỉ khi đầu lên và đầu xuống giao thoa với nhau thì lúc đó mới là thực chất”.
Thứ trưởng Hiển cũng cho rằng, các kỳ thi tốt nghiệp THPT và Tuyển sinh ĐH có nhiều điểm tương đồng với nhau nhưng được tổ chức khá gần nhau, vì thế gây nhiều bức xúc xã hội. Như thế vấn đề đặt ra ở đây là cần suy nghĩ để có sự đổi mới đồng bộ cả thi - công nhận tốt nghiệp THPT với tuyển sinh ĐH, CĐ.
“Bộ GD-ĐT đã và đang tổ chức nghiên cứu và đưa định hướng đổi mới các kì thi - công nhận tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh ĐH vào Đề án “Đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT Việt Nam” cũng như Đề án “Đổi mới chương trình và sách giáo khoa 2015” theo tinh thần và thực tế mà tôi đã nói ở trên. Sau khi các đề án này được thông qua, phê duyệt, Bộ GD-ĐT sẽ công bố phương án đổi mới thi trên phương tiện thông tin đại chúng để xin ý kiến rộng rãi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trước khi quyết định chính thức” - Thứ trưởng Hiển chốt vấn đề./.