Đây là thông tin vừa được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố trong báo cáo thường niên về nỗ lực giải quyết vấn đề bom mìn và vật nổ trên toàn thế giới.
Nhân dịp này, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với ông Puneet Talwar, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị- quân sự, về chương trình hỗ trợ ra phá bom mìn của Mỹ tại Việt Nam.
PV: Việt Nam là một trong những quốc gia đang gánh chịu hậu quả nặng nề của bom mìn và vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, xin ông cho biết về những hỗ trợ cũng như trách nhiệm mà Mỹ cần chia sẻ trong vấn đề này?
Ông Puneet Talwar: Chúng tôi cam kết rất mạnh mẽ trong việc hỗ trợ Việt Nam giải quyết vấn đề vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, mà một trong những minh chứng cụ thể ở đây là bản ghi nhớ mà Ngoại trưởng John Kerry đã ký trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 12/2013.
Việt Nam luôn là một trong những nước mà chúng tôi giành ưu tiên cao nhất. Từ năm 1993 tới nay, Mỹ đã hỗ trợ 70 triệu USD để giúp Việt Nam xử lý vấn đề đầy thách thức này.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ trung vào các lĩnh vực như hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nâng cao năng lực xử lý bom mìn; hỗ trợ Quảng Trị, một trong những tỉnh ô nhiễm bom mìn nặng nhất giải quyết vấn đề bom, đạn chùm; hỗ trợ nạn nhân bom mìn và giáo dục nâng cao nhận thức về nguy cơ bom mìn.
PV: Theo ước tính thì với tốc độ rà phá như hiện nay, phải mất tới cả trăm năm nữa Việt Nam mới có thể loại bỏ hoàn toàn số bom mìn và vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Vậy trong thời gian tới, Mỹ có thay đổi phương thức hỗ trợ để giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến trình này?
Ông Puneet Talwar: Chúng tôi đã rất nỗ lực và đang cố gắng nhiều hơn nữa. Năm 2015, Mỹ sẽ tăng gấp đôi mức hỗ trợ cho Việt Nam trong vấn đề này. Đặc biệt, chúng tôi đang thực hiện một dự án thí điểm với hy vọng sẽ giảm mối đe dọa của bom, đạn chùm tại Quảng Trị trong vòng 5 năm.
Đây là một bước tiến rất đáng kể và có thể sẽ trở thành hình mẫu để áp dụng tại các tỉnh khác tại Việt Nam. Hy vọng dự án này sẽ góp phần rút ngắn khoảng thời gian loại bỏ toàn bộ số bom mìn và vật nổ còn sót lại tại Việt Nam.
PV: Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây thương vong là nhận thức của người dân về nguy cơ bom mìn còn hạn chế, nhất là tại vùng sâu vùng xa và những khu vực từng là chiến trường trước đây. Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong giáo dục phòng tránh bom mìn?
Ông Puneet Talwar: Chúng tôi đang tích cực thực hiện chương trình giáo dục về nguy cơ bom mìn và đây cũng là một trong những lĩnh vực trọng tâm mà tôi đề cập ở trên. Giáo dục là một phần trong nỗ lực tổng thể phòng chống bom mìn và được chúng tôi áp dụng trên toàn thế giới.
Chúng tôi đã và đang chia sẻ kỹ thuật, phối hợp với các đối tác địa phương để có thể xây dựng các hình thức giáo dục phù hợp với đặc điểm của từng khu vực. Cộng đồng quốc tế và các tổ chức phi chính phủ có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Chúng ta cần làm tất cả những gì có thể để giảm thiểu thương vong do bom mìn và vật nổ gây ra mà trong đó rất nhiều nạn nhân là trẻ em. Do nhận thức còn hạn chế, nhiều trẻ em đi lại, vui chơi tại những nơi mà chúng không biết có những mối nguy hiểm đang rình rập và gặp tai nạn, mang thương tật và thậm chí thiệt mạng. Chúng tôi muốn loại bỏ hoàn toàn nguy cơ này, hoặc chí ít là giảm tối đa thương vong.
PV:
Ông Puneet Talwar: Chúng tôi đang có chương trình hỗ trợ các nạn nhân bom mìn và chính phủ Việt Nam cũng đang tích cực tiến hành các hoạt động tương tự.
Đây là thách thức đòi hỏi sự tiếp cận từ nhiều hướng, từ hỗ trợ phương tiện di chuyển như cung cấp chân giả cho đến đào tạo nghề, giúp các nạn nhân trở thành người “tàn nhưng không phế” và hỗ trợ gia đình họ. Đây là lĩnh vực mà các tổ chức phi chính phủ cũng như các đối tác đang đóng góp rất tích cực./.
PV: Xin cảm ơn ông!