Một ngày cuối tháng 8, khi thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp có những phiên biến động mạnh, tôi đến trụ sở Công ty Social Innovation tại Minato, một quận ở trung tâm thủ đô Tokyo để tìm hiểu về phản ứng của các nhà đầu tư Nhật Bản.
Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán tài chính và đầu tư với thị trường chính là Việt Nam và các nước ASEAN. Thật bất ngờ khi chủ đề câu chuyện của tôi với lãnh đạo công ty không chỉ xoay quay thị trường chứng khoán và đầu tư của Việt Nam mà còn tập trung vào tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi như ông Susumu Igarashi, Giám đốc công ty quan niệm: “Muốn làm ăn ở Việt Nam phải hiểu Việt Nam, muốn hiểu Việt Nam phải hiểu tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Việt Nam- một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, môi trường chính trị xã hội ổn định, dân số trẻ và khát khao vươn lên là những yếu tố không nhà đầu tư nào có thể bỏ qua. |
Cũng như nhiều nhà đầu tư Nhật Bản khác, ông Igarashi bị hấp dẫn bởi tiềm năng của thị trường Việt Nam. Một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, môi trường chính trị xã hội ổn định, dân số trẻ và khát khao vươn lên là những yếu tố không nhà đầu tư nào có thể bỏ qua.
Ngay từ khi manh nha ý định đầu tư vào Việt Nam, ông Igarashi đã tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, trong đó tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp ông hiểu rõ hơn về đất nước Việt Nam hiện nay.
ÔngIgarashi chia sẻ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại di chúc muốn được đem hài cốt của mình rải ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đó là vì Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn đất nước không bị chia cắt, người dân trong cùng một nước không phải đối đầu với nhau, các vùng trên cả nước đều được phát triển. Việt Nam ngày nay đã trở thành một quốc gia thống nhất và đang thực hiện ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc phát triển hài hòa các vùng trên cả nước”.
Theo ông Igarashi, đây là một trong những triết lý quan trọng nhất trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bất cứ một quốc gia hay một tổ chức nào cũng cần sự thống nhất và hài hòa. Chỉ có như vậy mới tạo ra sự đoàn kết và ổn định.
Ông Igarashi cho biết đã hiểu tại sao Việt Nam lại duy trì được sự ổn định về chính trị và xã hội, một trong những yếu tố hàng đầu thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Đó chính là nhờ việc thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về chính sách đoàn kết và phát triển hài hòa giữa các vùng miền.
Cũng đồng quan điểm với Giám đốc Igarashi, ông Akira Shiraishi, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Social Innovation nhận xét, câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” đã toát lên toàn bộ tư tưởng của Người về sự thống nhất và đoàn kết của Việt Nam.
Ông Shiraishi bày tỏ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người lãnh đạo vĩ đại nhất đã tập hợp được người dân Việt Nam bất kể dân tộc, vùng miền thành một khối. Thậm chí Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đón nhận những người lạc lối và tha thứ lỗi lầm cho họ. Hiện nay Việt Nam đang thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có việc cải thiện cuộc sống cho những người nghèo khổ nhất. Theo tôi, chính nhờ đó mà Việt Nam duy trì được sự ổn định về chính trị, xã hội của mình”.
Ông Shiraishi cũng cho biết, Công ty Social Innovation cũng đang áp dụng triết lý về sự thống nhất và đoàn kết trong hoạt động của công ty. Tuy mới chỉ thành lập được 3 năm, nhưng công ty đã có những bước phát triển vững chắc ở Việt Nam. Ông Shiraishi cho rằng không có gì phải băn khoăn về cơ hội thành công tại Việt Nam.
Giám đốc Công ty Social Innovation - Igarashi cho tôi xem trang web của công ty, trên đó có bức ảnh chụp Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi được đặt tại TP HCM. Ông Igarashi cho biết rất thích tác phẩm điêu khắc này bởi nó toát lên gần như toàn bộ triết lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là tất cả thiếu nhi đều là con cháu của Bác, suy rộng ra tất cả người Việt Nam đều là một nhà. Đó còn là lòng yêu thương trẻ em, quan tâm đến giáo dục cho các em.
Càng tìm hiểu về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Igarashi càng thấy yêu đất nước Việt Nam hơn. Ông cũng đã kết duyên với một người con gái Việt Nam. “Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai của tôi rồi” - ông Igarashi nói./.