Hiện nay toàn tỉnh Lai Châu xuất hiện mưa nhỏ, cộng với thời tiết sương mù, nền nhiệt xuống thấp nên có cảm giác rét buốt.

Đến 15h ngày 27/12, nhiệt độ đo được ở những vùng núi có độ cao trên 1.600m như: Tam Đường, Sìn Hồ, Phong Thổ giao động từ 6-8 độ C.

Đêm nay, nền nhiệt tiếp tục giảm sâu và một số nơi trên địa bàn có thể xảy ra sương muối hoặc băng giá.

lai_chau_dlfs.jpg
Lai Châu sương mù, rét buốt 8 độ.

Để đảm bảo an toàn cho người dân trong sinh hoạt và sản xuất, tỉnh Lai Châu vừa có công điện chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin về tình hình thời tiết để người dân trên địa bàn chủ động các phương án phòng chống rét. 

Theo đó, ngành nông nghiệp ở địa phương đã cử cán bộ về các xã, nhất là các địa phương vùng núi cao trọng điểm về rét hại để vận động và cùng người dân triển khai các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi.

Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cũng đã chỉ đạo các phòng giáo dục và các trường học trực thuộc chủ động cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ xuống thấp, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh vùng cao, nhất là các bậc học mầm non và tiểu học; đồng thời chủ động lịch học bù để đảm bảo chương trình học của cả năm.

Ngoài ra, Phòng Cảnh sát giao thông ở địa phương cũng chỉ đạo các đội Cảnh sát giao thông, phối hợp với lực lượng công an ở các huyện, thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn các phương tiện lưu thông, nhất là các cung đường đèo.

Riêng đèo Hoàng Liên Sơn, với thời tiết sương mù, tầm nhìn dưới 10m như chiều nay, lực lượng Cảnh sát giao thông địa phương đã bố trí một trạm dừng nghỉ trực tại lưng chừng đèo để yêu cầu các lái xe dừng nghỉ, kiểm tra an toàn phương tiện trước khi đổ đèo.

 Tại Sơn La, để đảm bảo an toàn cho cây trồng, vật nuôi trong các đợt rét đậm, rét hại, người dân ở các địa phương tỉnh miền núi Sơn La đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm. 

Ngay từ đợt rét đậm, rét hại đầu tiên tràn về, gia đình bà Lường Thị Chung ở xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã hoàn thành việc che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn cho đàn trâu bò của nhà mình.

Trong những ngày rét đậm, nhiều sương muối, bà thường xuyên pha nước muối cho trâu bò uống, đốt lửa bên cạnh chuồng sưởi ấm cho gia súc.

 Trong đợt rét đậm, băng giá đầu năm ngoái, toàn huyện Thuận Châu có hơn 6.000 con gia súc bị chết rét. Bởi vậy, năm nay công tác chống đói, rét cho gia súc được huyện rút kinh nghiệm triển khai từ rất sớm. Bà con luôn tuân thủ các biện pháp phòng chống rét cho gia súc ngay từ đầu mùa đông.

Ông Bạc Cầm Khuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: "Chúng tôi chỉ đạo các xã luôn cảnh giác, không thả rông trâu bò ra khi giá rét. Chuẩn bị sẵn thức ăn, nước uống cho trâu bò".

Tỉnh Sơn La hiện có đàn trâu, bò với trên 414.000 con. Trong vụ rét năm 2015-2016, Sơn La là tỉnh đứng đầu trong các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại do giá rét.

Sang năm nay để đảm bảo giảm thiểu thiệt hại, phát triển ổn định đàn gia súc Trạm khuyến nông, Chi cục thú y của tỉnh đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn kỹ thuật phòng chống đói rét cho cho các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh.

Bà Cầm thị Phong, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La cho biết: "Cùng với chỉ đạo các huyện thì các cơ quan trong ngành cũng trực tiếp xuống hướng dẫn nhân dân phòng chống đói rét cho gia súc trong vụ đông xuân. Đẩy mạnh tuyên truyền và chống rét cho gia súc tập trung vào việc dự trữ thức ăn, sửa chữa chuồng trại".

 Để phòng chống đói rét cho đàn gia súc, gia cầm bên cạnh sự tuyên truyền hướng dẫn, các huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La cũng đã yêu cầu các hộ chăn nuôi ký cam kết chống đói rét cho gia súc gia cầm, qua đó giảm thiểu thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra./.