Mưa lớn cũng làm sạt lở đất đá tại nhiều nơi ở khu vực vùng núi Nghệ An, đồng thời khiến nhiều địa phương ở vùng hạ lưu của tỉnh này bị ngập chìm trong nước. Nhiều địa phương của Nghệ An bị chia cắt, cô lập vì nước lũ.

Tại huyện Quế Phong, đầu giờ chiều nay (11/10), mưa lớn làm sạt lở đất và vùi lấp một ngôi nhà của người dân ở bản Mường Piệt, xã Thông Thụ. Rất may, vụ sạt lở không thiệt hại về người.
Ngay trong chiều nay, lãnh đạo huyện Quế Phong đã cử đoàn cán bộ vào thăm hỏi, động viên và hỗ trợ ban đầu cho gia đình bị thiệt hại khoản tiền 20 triệu đồng.
Còn tại tại thị xã Thái Hòa, mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường nội thị chìm sâu trong biển nước, hàng trăm ngôi nhà thuộc phường Long Sơn, Hòa Hiếu, Quang Phong, bị ngập, có nơi ngập sâu 5 - 7m. Nhiều khối, xóm bị nước dâng cao cô lập hoàn toàn. Khoảng 200ha rau màu các loại bị hư hỏng, trên 100ha mía vùng bãi ven sông Hiếu bị nhấn chìm dưới nước.
vov_3_hqgn.jpg
Nhiều phường của thị xã Thái Hòa bị ngập nặng.
Ông Phạm Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa cho biết: "Do nước sông lên vì việc mở cửa xả nước từ các hồ thủy điện ở phía thượng lưu nên nhiều vùng trong đó có các phường xã bị ngập, có những vùng xóm hơn 20 hộ dân bị tách rời. Nhưng do có sự chuẩn bị trước, sự chỉ đạo từ cấp thị xã đến cấp phường nên dân đã sơ tán kịp thời vào các vị trí an toàn, không có thiệt hại về người và của".

Tại huyện Tân Kỳ, có 33 nhà dân tại xã Kỳ Tân bị ngập. Toàn bộ các hộ có nhà bị ngập đã được di dời đến nơi an toàn. Nhiều xã khác trong huyện cũng chịu thiệt hại như xã Tân Long có 216 ha mía bị ngập; xã Hương Sơn có cầu tràn khe chui, cầu sụm, đều bị ngập sâu dưới nước khiến giao thông bị tê liệt và cô lập; xã Nghĩa Dũng có một số đoạn trên tuyến đường 15B bị ngập, khiến một số thôn bị cô lập, một số nhà bị ngập và buộc phải di dời đến nơi an toàn.

Người dân đi lại rất khó khăn.

Tại huyện Thanh Chương, đến cuối ngày hôm nay (11/10) có 4 nhà bị sập hoặc hư hỏng nặng do lở đất; 15 nhà dân, 23 chuồng trại bị ngập; hàng trăm mét tường rào, kênh mương bị sập đổ; 120 cống nội đồng bị trôi. Hàng trăm ha cây màu vụ đông và cây ăn quả bị ngập úng; gần 300ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập; nhiều gia súc gia cầm bị chết, tổng thiệt hại ước tính trên 5,5 tỷ đồng.  Tuyến Quốc lộ 46 đoạn qua Rú Nguộc bị uy hiếp bởi sạt lở. 

Tại huyện Quỳnh Lưu, ông Hoàng Danh Lai, Chủ tịch UBND huyện cho biết, đến thời điểm này, toàn huyện có khoảng hơn 2.000 nhà dân bị ngập nhưng chưa đến mức nguy hiểm. Tuy vậy, lực lượng chức năng vẫn ứng trực, sẵn sàng hỗ trợ người dân di dời người và đồ đạc khi cần thiết. Ngoài ra, còn có hàng trăm ha rau màu bị ngập và nhiều công trình thủy lợi trong huyện bị hư hỏng nặng.

Đồ đạc ngập trong nước.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, lãnh đạo các địa phương tại Nghệ An đã kịp thời động viên thăm hỏi các hộ bị thiệt hại nặng cùng sự hỗ trợ kinh phí trước mắt, đồng thời khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ để sửa chữa đường giao thông, thuỷ lợi và khôi phục sản xuất cũng như triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh./.