Tuy tâm bão không đi qua tỉnh Ninh Thuận như dự báo ban đầu nhưng với mưa hoàn lưu sau bão, hiện nay tỉnh Ninh Thuận đang quan tâm nhất là đảm bảo an toàn cho khu vực hạ du các hồ thủy lợi và vùng xung yếu có nhiều sông, suối.

nt1_vov_pian.jpg
Sở NN&PTNT Ninh Thuận cho biết cần phải xả lũ điều tiết để đảm bảo an toàn các hồ chứa.

Hôm nay, sau khi xuất hiện mưa trên diện rộng sau bão, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh này đã trực tiếp đến các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn kiểm tra tình hình tích nước và xả lũ tại một số hồ chứa có nguy cơ cao.

Sau bão số 12, địa bàn Ninh Thuận có mưa trên diện rộng, nhất là khu vực miền núi

Ông Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Toàn tỉnh có 24 hồ thủy lợi với tổng sức chứa 195 triệu m3. Hiện tổng lượng nước đang tích trữ được hơn 152 triệu m3, đạt hơn 79% dung tích. Có một số hồ vẫn chưa tích trữ đủ nước, trong khi một số hồ do lượng nước đầu nguồn đổ về quá nhiều, nguy cơ vượt sức chứa nên cần xả lũ. 

Lãnh đạo UBND tỉnh và Sở NN&PTNT Ninh Thuận kiểm tra xả lũ điều tiết tại hồ Sông Biêu (huyện Thuận Nam)

Qua kiểm tra thực tế, tỉnh Ninh Thuận xác định có 6 hồ cần phải điều tiết xả lũ, gồm: Sông Biêu, Tân Giang, Trà Co, Lanh Ra, Ma Trai, Bà Râu. Lưu lượng xả khoảng từ 7 đến 17m3/s, tùy tình hình thực tế ở mỗi hồ.

Xả lũ tại hồ Bà Râu (Ninh Thuận) vào trưa 4/11.

“Tinh thần UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, trong đó công ty khai thác công trình thủy lợi liên tục cử các lực lượng ứng trực tại các hồ trọng điểm và việc xả nước phải tính toán rất kỹ lưỡng. Với tinh thần vừa tích đủ nước nhưng vẫn xả nước về hạ lưu với lưu lượng vừa phải nhằm hạn chế lượng nước đổ về hạ lưu nhiều ảnh hưởng đến nhân dân ở phía dưới”, ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết.

Tỉnh Ninh Thuận hiện vẫn liên tục cảnh báo nguy hiểm ở các vùng xung yếu có nhiều sông suối, ao hồ để người dân cảnh giác, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản./.