Cơ quan quản lý CITES Việt Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức hội nghị bàn tròn nhằm tăng cường khả năng phối hợp các sáng kiến về chính sách và biện pháp can thiệp của Chính phủ, các tổ chức quốc tế, phi Chính phủ và các nhà tài trợ. Việc tăng cường này nhằm tạo điều kiện để các bên thảo luận về thách thức cũng như các hành động cần ưu tiên để Việt Nam đối phó với nạn buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia.

Nạn buôn bán động vật hoang dã, mối đe dọa cho đa dạng sinh học, sức khỏe con người và an ninh quốc gia, gần đây, đã thu hút được sự chú ý nhiều chưa từng có trên toàn cầu. Một số quốc gia và các cơ quan của Anh và Mỹ đã phát động những sáng kiến chống buôn bán động vật hoang dã ở quy mô toàn cầu.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành chỉ thị 03/CT-TTg yêu cầu tất cả các Bộ, ban, ngành chủ chốt, ưu tiên thực thi ở tất cả các cấp và giữa các bộ để chống lại nạn săn bắn và buôn bán ngà voi châu Phi và sừng tê giác. Tuy nhiên, giữa các bên liên quan và chính phủ Việt Nam hiện vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ. Hội nghị bàn tròn lần này là bước đi đầu tiên hướng tới sức mạnh tổng hợp của các bên để giảm thiểu tội phạm động vật hoang dã xuyên quốc gia tại Việt Nam.

Tiến sĩ Susan Liebermen, Giám đốc điều hành Chính sách bảo tồn của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã WCS hoan nghênh sáng kiến này của Chính phủ Việt Nam: "Chúng tôi hoan nghênh sự tăng cường hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước Hoa Kỳ, Anh, Đức và liên minh châu Âu, Ngân hàng Phát triển châu Á ADB, UNODC để giải quyết các mối đe dọa tiềm ẩn của nạn buôn bán động vật hoang dã".

Tiến sĩ Susan Liebermen hoanh nghên tuyên bố của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cân nhắc việc tiêu hủy kho sừng tê giác, ngà voi và xương hổ của Việt Nam và coi đó như một lời khẳng định với toàn nhân dân Việt Nam và thế giới rằng Việt Nam không cho phép hoạt động buôn bán động vật hoang dã hay tiêu thụ và buôn bán các loại nguy cấp như tê giác tồn tại trên lãnh thổ của mình./.