Hồ, ao Hà Nội (gọi chung là Hồ Hà Nội), là một phần rất quan trọng của cảnh quan đô thị Hà Nội. Hệ thống hồ Hà Nội có bề dày lịch sử văn hoá, mang đến những lợi ích trực tiếp, tích cực đối với chất lượng cuộc sống đô thị của người Hà Nội. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua, do quá trình đô thị hoá nhanh chóng và tăng trưởng dân số đã tạo ra những tác động tiêu cực không nhỏ lên hồ Hà Nội.

mot-goc-cua-ho-tay.jpg
Rác thải xả xuống ở một góc của Hồ Tây, gần Công viên nước Hồ Tây (ảnh: Thu Thủy)

Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) năm 2010 của 6 quận lõi đô thị, hiện có 120 hồ lớn nhỏ ở Hà Nội. Trong đó, kết quả khảo sát 80/120 hồ đó, số hồ hiện có diện tích từ 1.000m2trở lên chiếm tới 76%, trong khi các hồ hiện có diện tích dưới 500m2 chiếm 17,5%; hồ có diện tích 500- 1.000 m2 chiếm 6%. Mức độ ô nhiễm của 80/120 ao hồ, hầu hết đều bị ô nhiễm nước. Có tới 71% hồ có giá trị BOD5 vượt quá tiêu chuẩn cho phép (>15mg/l - BOD5 là lượng oxy cần thiết để oxy hóa hết các chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn gây ra, với thời gian xử lý nước là 5 ngày ở điều kiện nhiệt độ là 20°C), 14% hồ bị ô nhiễm hữu cơ rất nặng, 32% hồ bị ô nhiễm nhẹ. Ngoài chỉ tiêu BOD5, các chỉ tiêu khác như: nồng độ COD, NH4,.. trong hầu hết các hồ cũng đều vượt quá giá trị cho phép.

Nghiên cứu của tác giả Lê Thu Hà, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cho thấy, các hồ Tây, Thủ Lệ, Hoàn Kiếm…bị ô nhiễm chính là do chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học. Hồ Tây và Hồ Đống Đa có mức ô nhiễm nhẹ do hai hồ này có diện tích lớn và có khả năng tự làm sạch cao. Hồ Hoàn Kiếm đang có khả năng tự làm sạch dần, tuy nhiên mục pH của nước hồ quá cao -8,1 -10,2 so với mức pH cho phép đối với nước thủy vực 6,5 -8,5.

Ô nhiễm do đô thị hoá và tăng trưởng dân số…

Ao ở ngõ Đặng Thai Mai, gần Hồ Tây bị ô nhiễm nặng (ảnh: CECR)

Quá trình đô thị hoá và tăng trưởng dân số dẫn đến nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng, các khu vực ven hồ là mục tiêu lấn chiếm nhiều nhất. Nhiều ao, hồ đã bị san lấp để lấy đất xây dựng, diện tích mặt ao, hồ đã giảm đi rất nhiều, có nhiều ao, hồ đã hoàn toàn biến mất, nhiều nơi trước kia là hồ thì bây giờ đã được thay thế bằng những khu đô thị hay những nhà chung cư. Theo thống kê sơ bộ của Sở Xây dựng Hà Nội, giai đoạn 1986 - 1994 diện tích hồ bị giảm hơn 16 ha. Một năm sau, năm 1995 đã có thêm 23 ha mặt hồ bị biến mất. Trong đó, Hồ Tây với diện tích khoảng hơn 500 ha, chiếm gần 50% diện tích ao, hồ toàn thành phố nay chỉ còn 446 ha. Cũng rơi vào tình trạng như vậy, hồ Linh Quang (Đống Đa) cũng từ diện tích 6 ha giờ đã giảm xuống, còn 5,2 ha.

Dân số tăng nhanh dẫn đến lượng nước thải sinh hoạt ngày càng nhiều, kể cả nước thải công nghiệp và nước thải ở các bệnh viện (phần lớn là chưa qua xử lý). Nước thải từ các nguồn này hầu hết là đổ ra sông và hồ, gây ô nhiễm cho hồ ngày càng nặng, vượt quá khả năng tự làm sạch của hồ. Việc lấn chiếm hồ để xây dựng làm cho diện tích mặt hồ bị thu hẹp, cùng với rác thải xả xuống hồ đã làm cho độ sâu của hồ giảm đi dẫn đến thể tích chứa nước của hồ ngày càng giảm, khả năng điều tiết kém đi và nồng độ các chất gây ô nhiễm ngày càng tăng cao.

Nhiệt độ tăng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ làm cho các đặc tính vật lý và hoá học của nước bị thay đổi. Theo GS.TS Mai Đình Yên – Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam, nhiệt độ tăng sẽ dẫn đến nồng độ CO2 tăng lên, sự quang hợp của thực vật (tảo và cây thủy sinh) diễn ra mạnh hơn, hiện tượng nở hoa là điều sẽ xảy ra thường xuyên, sau đó chúng sẽ bị chết và lắng đọng xuống đáy, làm cho ô nhiễm tăng thêm, lấy hết khí O2 trong nước, làm hạn chế sự hô hấp của các loài động vật dưới nước. Lượng mưa tăng lên, lượng carbon đưa xuống hồ nhiều hơn. Do hô hấp, các chất hữu cơ trong hồ lại thải nhiều khí CO2 vào khí quyển hơn. Vòng tuần hoàn này làm tăng nguy cơ phá vỡ sự cân bằng hệ sinh thái tự nhiên của hồ. Các loài sinh vật quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ, các loài mới (có thể là đặc hữu) sẽ bị tiêu diệt. Các loài gốc phương Nam sẽ lấn át các loài gốc phương Bắc và các loài chịu được sự ô nhiễm cao sẽ lấn át các loài chịu sự ô nhiễm thấp.

Ngoài ra, các hệ sinh thái của hồ phụ thuộc một cách chặt chẽ vào môi trường nước trong hồ. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm cho nước trong các hồ thay đổi cả về lượng và chất lượng nước, làm ảnh hưởng tới môi trường sống của các hệ sinh thái, góp phần làm tăng nguy cơ mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên của các hồ.

GS.TS Mai Đình Yên cho rằng, nước thải của các hộ gia đình và hàng quán đổ thẳng ra hồ không qua xử lý đã làm cho lượng phốt-pho và ni-tơ trong các ao hồ tăng mạnh, làm tăng hiện tượng phú dưỡng của các loài thực vật nổi và tảo, làm chúng phát triển rất nhanh. Vòng đời của tảo thường rất ngắn, khi chúng chết đi sẽ tích tụ lại dưới đáy ao hồ ngày một nhiều, làm giảm thể tích hồ. Quá trình phân hủy tảo dưới đáy hồ cần một lượng lớn oxy trong nước, do đó sẽ làm giảm lượng oxy hòa tan trong nước hồ, gây ảnh hưởng đến môi trường sống các loài động vật thủy sinh. Ngoài ra, xác tảo chết dưới đáy hồ còn tạo ra khí có mùi hôi thối, làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người dân sống quanh hồ.

Ô nhiễm hồ không chỉ làm mất giá trị của cảnh quan thiên nhiên mà còn làm tăng chi phí để xử lý những thiệt hại do ô nhiễm hồ gây ra như: sức khoẻ, chi phí cải tạo đất, phục hồi môi trường,… 

… và biến đổi khí hậu, hậu quả và hệ lụy

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hồ tại Hà Nội đang được sử dụng chủ yếu mang tính tự phát, vì lợi ích cục bộ mà không có ưu tiên, không có tính qui hoạch, thậm chí rất mâu thuẫn nhau mục đích.

Ao, hồ ở Ba Đình (ảnh: CECR)

Về điểm này, bà Nguyễn Thị Lý, giám đốcCECR lấy ví dụ: Đa số các hồ khu vực nội thành Hà Nội một mặt được ưu tiên chức năng thoát nước, chống úng ngập vào mùa mưa, mặt khác cá vẫn được thả xuống các hồ để nuôi lấy thực phẩm hoặc nguồn cá giống (như Hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Bảy Mẫu, hồ Giảng Võ…). Hằng năm, trước khi vào mùa mưa, Công ty Thoát nước Hà Nội phải xả bớt nước trong các ao hồ để tạo thành bể chứa dự phòng thoát nước trong thành phố khi có mưa lớn.

Tuy nhiên, khi rút nước hồ xuống mức thấp lại làm tăng mức độ ô nhiễm nước, gây chết cá hàng loạt. Khi đó, nước bốc mùi hôi thối làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của cư dân.

Việc kinh doanh nhà hàng nổi trên mặt hồ cũng là một ví dụ điển hình gây ra ô nhiễm cho hồ. Bà Nguyễn Thị Hà, một người dân sống ở gần Hồ Tâydẫn chứng: Đơn cử như Hồ Tây, nhà hàng nổi phát triển ồ ạt, xả thải bừa bãi xuống lòng hồ. Vì ô nhiễm nặng nên vào lúc thay đổi thời tiết, sự phân hủy các chất hữu cơ trong hồ đã lấy đi các khí oxy và việc thiếu oxy liên tục sẽ làm cho các loài cá không thể sống và chết thì sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường nước, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Nguyên nhân gây ô nhiễm chính, theo PGS Hồ Thanh Hải, Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật lạ do nước thải sinh hoạt và một phần rác thải từ gia đình hoặc cộng đồng tùy tiện thải xuống hồ. Các ô nhiễm này làm tăng nồng độ các chất hữu cơ, vượt quá khả năng tự làm sạch của hồ, dẫn đến suy thoái chất lượng nước, thiếu hụt oxy, tăng lượng trầm tích trong hồ, khiến cho nước ao hồ rất đục bẩn, có nhiều hồ, ao nước biến thành màu đen, hệ thống sinh thái bị đe dọa và rối loạn nghiêm trọng.

Cùng nói về nguyên nhân ô nhiễm hồ, bà Nguyễn Thị Lý còn chỉ rõ: Hầu hết các hồ đều được hình thành trên nền đất trẻ và chịu sự tác động của các yếu tố tự nhiên nên quá trình lão hóa diễn ra nhanh. Độ sâu của hồ giảm rõ rệt do xả chất thải rắn (có cả loại rác lớn như đồ đạc cũ trong nhà, các đồ tế lễ, bát hương, bàn thờ cũ…), xả nước thải, san lấp và lấn chiếm không kiểm soát của người dân xung quanh hồ.

Do việc xả rác thải vô ý thức không bị kiểm soát và ngăn chặn chặt chẽ, nên nhiều loại rác thải (túi ny lon, giấy kẹo, giấy bọc hàng, rác sinh hoạt các gia đình xung quanh hồ) tích tụ dần thành đống dưới hồ. Thực trạng này vừa gây bẩn hồ, vừa dần biến hồ thành ao tù, nước đọng, là nguồn phát sinh nhiều dịch bệnh (như tiêu chảy, sốt xuất huyết). Hiện tượng đổ phế thải xây dựng, đổ đất, lấn chiếm hồ… cũng làm giảm đáng kể diện tích, thậm chí nhiều hồ đang có nguy cơ… biến mất.

PGS –TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đại học Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Chủ tịch CLB Hồ Hà Nội cho rằng: Hồ là nơi sinh sống của các sinh vật thủy sinh. Muốn cho hồ xanh, sạch và mãi mãi là lá phổi của thủ đô, thì sự tham gia của các ngành, các cấp là rất quan trọng, đặc biệt là cộng đồng dân cư kể cả người nước ngoài”./.