Vì tính cấp thiết của công tác bảo vệ, phục hồi và quản lý Hồ Hà Nội, đặc biệt là trong bối cảnh dự báo của biến đổi khí hậu và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng của thảm họa thiên tai; Trên cơ sở các nghiên cứu gần đây của Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, Liên hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, VOV online xin gửi tới độc giả loạt bài về chức năng, thực trạng và các kiến nghị giải pháp cho hồ Hà Nội nhằm góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc tôn tạo và bảo vệ hồ.
Nhiều chức năng quan trọng của ao, hồ
Theo cuốn sách Thông tin nền về hồ do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) xuất bản năm 2010, Hà Nội là đô thị của các sông hồ, vùng nội thành Hà Nội được hình thành trên nền của bãi bồi sông Hồng. Các hồ như hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, hồ Trúc Bạch… đều là dấu tích của các khúc sông chết của dòng sông Cái. Ngoài ra, vùng đất bên trong các con sông cổ như Ngọc Hà, Tô Lịch và Nhuệ đều được hình thành do phù sa bồi tụ không hoàn toàn, đã tạo nên nhiều vùng trũng và hình thành nhiều hồ, ao, đầm…
Hồ Gươm nhìn từ trên cao (Ảnh: Huy Phương) |
Ngày nay, sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu vẫn giống như những “động mạch chủ” “nuôi dưỡng” cho thủ đô ngày càng phát triển. Hồ Tây và hồ Gươm vẫn là các trung tâm để từ đó toả ra các đường, phố của Hà Nội. Tất cả tạo nên bức tranh không gian sống động, hài hoà của thiên nhiên Hà Nội.
Các chuyên gia về môi trường đã khẳng định, các hồ, ao, đầm của Hà Nội có nhiều giá trị đối với môi trường đô thị của Thành phố. Theo GS.TS Mai Đình Yên - Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam, các hồ tại Hà Nội có đầy đủ 26 loại dịch vụ thuộc 4 nhóm chức năng, bao gồm: Vui chơi giải trí và du lịch; Cung cấp thực phẩm, nước; Giáo dục đa dạng sinh học và Dịch vụ điều tiết.
Trước bối cảnh của biến đổi khí hậu và hậu quả của hiệu ứng nhà kính, các hồ, ao đầm Hà Nội cần được bảo tồn để thích ứng được với biến đổi khí hậu và bảo đảm các chức năng quản lý của chúng. Để thực hiện được việc giảm nhẹ tác hại và thích ứng với biển đổi khí hậu chúng ta cần quy hoạch sao cho tất cả các hồ, ao, đầm, sông lưu thông thành một mạng lưới. Trong các chức năng trên, chức năng về giá trị cảnh quan và công cụ thích ứng biến đổi khí hậu được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm.
Những điểm nhấn về cảnh quan, văn hóa tinh thần
Nhà nghiên cứu Văn hóa Tâm linh Nguyễn Phúc Giác Hải cho biết: Hà Nội có khoảng hơn 100 hồ lớn nhỏ, trong đó có nhiều hồ được gắn liền với các đình chùa như Hồ Gươm, Hồ Tây và trở thành các địa điểm văn hoá tâm linh quan trọng của Hà Nội. Những hồ này không chỉ là di sản vật thể mà còn gắn với di sản phi vật thể là những truyền thuyết dân gian và ký ức về nhiều sự kiện lịch sử của vùng đất kinh kỳ hàng nghìn năm tuổi.
Hồ Hoàn Kiếm gắn liền với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho thần Kim Quy. Thỉnh thoảng, du khách vẫn bắt gặp “cụ rùa” nổi lên như muốn nhắc lại ký ức xa xưa. Phong cảnh xung quanh hồ rất nên thơ với những hàng liễu rủ bóng quanh hồ, những cây bằng lăng tím xen lẫn những cây phượng cháy đỏ rực, cây cơm nguội chín vàng, những cây cổ thụ cao soi bóng. Cùng với Tháp Rùa nổi lên giữa mặt hồ thì xung quanh hồ còn có những di tích như: đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, nhà hàng Thủy Tạ, tháp Hoà Phong... đã tạo cho hồ một cảnh quan hài hoà, quyến rũ, xứng đáng là "Lẵng hoa giữa lòng thành phố" như du khách nước ngoài thường gọi.
Một góc Hồ Tây (Ảnh: Hải Yến/TTVN online ) |
Đến với Hồ Tây, du khách không chỉ đến với một không gian thoáng đãng, không khí trong lành; mặt nước mênh mông, thơ mộng, mờ ảo trong làn sương sớm mà còn đến để đắm chìm trong không gian văn hoá tâm linh của những đền, chùa nổi tiếng ven hồ như chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ. Ven hồ Tây còn có các làng nghề như làng hoa, đào Nhật Tân, đúc đồng,... Hồ Tây nay đã là thắng cảnh không thể bỏ qua đối với du khách đến thăm Thủ đô. Cũng như hồ Hoàn Kiếm, cảnh quan của Hồ Tây đã trở thành nguồn cảm hứng của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ.
Ngoài hai hồ nói trên, Hà Nội còn có nhiều hồ mới tham gia vào cảnh quan đô thị như: hồ Bảy Mẫu, Ba Mẫu, Thiền Quang; các hồ Giảng Võ, Thủ Lệ, Ngọc Khánh, Thành Công, Nam Đồng, Văn Chương, Đống Đa, Nghĩa Đô, Quỳnh, Linh Đàm…
Các hồ và khu vực quanh hồ là không gian công cộng có giá trị về nhiều mặt. Cảnh quan hồ góp phần tạo nên bản sắc độc đáo của thủ đô Hà Nội, làm cho hình ảnh của Hà Nội không phai mờ trong ký ức không chỉ của người dân thủ đô mà còn của những du khách dù chỉ một lần đến thăm Hà Nội.
Ngày nay, tư duy về phát triển đô thị hiện đại coi trọng cả về giá trị tinh thần chứ không chỉ tập trung vào giá trị kinh tế, vật chất. Chính vì vậy, việc bảo vệ và tôn tạo cảnh quan hồ Hà Nội sẽ giúp cho sự phát triển của Hà Nội được bền vững.
Giá trị điều tiết, điều hòa khí hậu thủy văn, đa dạng sinh học
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu, hiện tượng mưa lớn gây ngập úng và hiện tượng hạn hán ngày càng gia tăng về mức độ và tần suất, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Theo nghiên cứu từ những tư liệu lịch sử cho thấy: “tụ thuỷ ắt tụ nhân” (tức là ở đâu có nước ở đó ắt sẽ có người), sông và hồ có vai trò không hề nhỏ đối với đời sống con người và cũng là lá phổi của thủ đô. Các nhà khoa học khẳng định, các hồ ở Hà Nội đều đóng vai trò điều hòa trong hệ thống thoát nước mưa cho đô thị có địa hình bằng phẳng như Hà Nội.
Chính vì vậy, vai trò điều tiết nước của hồ còn giúp hạn chế ảnh hưởng lũ lụt vùng hạ lưu bằng cách lưu trữ lượng nước mưa như một “bồn chứa” tự nhiên, giải phóng nước lũ từ từ, do đó có thể làm giảm hoặc hạn chế lũ lụt ở vùng hạ lưu. Ngoài ra, hồ cũng là nguồn tài nguyên nước mặt, bởi vì về mùa khô, hạn hán thì hồ sẽ trở thành nơi cung cấp nguồn nước tưới hữu hiệu.
Không chỉ có chức năng điều tiết lượng nước, hồ Hà Nội còn góp phần cải thiện khí hậu một khu vực nhỏ hoặc lớn của Hà Nội tùy theo diện tích của hồ. Vào mùa nóng, mặt thoáng mang hơi nước mát mẻ của hồ sẽ giúp cho gió mát thổi vào phố phường; vào mùa lạnh, hơi ấm từ hồ giúp cho khí hậu quanh hồ được ấm hơn.
Xung quanh hồ thường có lớp phủ thực vật, lớp thực vật này có nhiều chức năng: giúp cho lượng ô-xy trong khí quyển được đầy đủ, giống như lá phổi xanh của khu dân cư quanh hồ; giúp chống xói mòn của dòng chảy trên bề mặt đất; phần đất phủ thực vật quanh hồ giúp nước mưa thẩm thấu nhanh hơn, giảm ngập lụt.
Hồ còn là hệ sinh thái tự nhiên có tài nguyên đa dạng sinh học giá trị, là nơi lưu giữ nguồn gen của nhiều loài động vật thực vật quý hiếm. GS.TS Mai Đình Yên cho biết, hồ Tây có 117 loài tảo phù du, 18 loài thực vật thuỷ sinh, 54 loài động vật không xương sống, 40 loài cá, 11 loài chim nước. Hồ Hoàn Kiếm có màu xanh lục đặc thù do các loài tảo đặc hữu và có loài rùa quý đã tồn tại hàng trăm năm nay. Thành phần các loài thực vật phù du của hồ Hoàn Kiếm rất phong phú với sự xuất hiện của 61 loài thuộc 4 ngành tảo: tảo Lam, tảo Lục, tảo Silic và tảo Mắt. Trong khu hệ tảo của hồ Gươm có những loài đặc hữu cần được bảo tồn lưu giữ. Rùa hồ Gươm trong hồ là loài rùa mai mềm nước ngọt lớn và hiếm cấp quốc tế.
Với những giá trị quan trọng của các hồ, ao nói chung và tại Hà Nội nói riêng, các nhà khoa học về quy hoạch đô thị đã khuyến cáo: Hà Nội phải lấy hồ đầm là điểm nhấn để qui hoạch và phải dựa vào cộng đồng chung tay bảo vệ hồ thì mới có thể bảo tồn tốt được./.