Với quyết tâm làm trong sạch địa bàn, mang đến cuộc sống trong lành, yên vui để người dân yên tâm lao động sản xuất, hiện thực hóa khát vọng thoát nghèo, cấp ủy Đảng huyện Mộc Châu đã quyết liệt vào cuộc, lãnh đạo chính quyền các cấp và các tổ chức đoàn thể triển khai nhiều biện pháp tích cực.

10 năm nghiện ma túy, Hạng A Lâu ở bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, Sơn La sống như con ma rừng. Ngoài những cơn vật vã vì thèm thuốc, anh cũng tự thấy sống không bằng chết vì lúc nào cũng thiếu thốn đủ thứ, chưa kể bà con dân bản ai cũng xa lánh, ghét bỏ.

“Nghiện ma túy khổ lắm, thích đi đâu hay nhà ai có tiệc tùng cưới hỏi, tổ chức uống bia thì họ cũng chẳng mời mình đâu", Hạng A Lâu trải lòng.

Với hơn 12 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, trước đây, nhiều người dân bản Phiêng Cài vẫn thường lén lút qua bên kia biên giới tham gia vào các vụ việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy; nhiều người thì ngập ngụa với “nàng tiên nâu”, khiến cuộc sống của bản thân và gia đình khốn đốn.

Trưởng bản Tráng A Tủa cho biết “Về kinh tế, với những hộ gia đình có người nghiện thì không có nguồn thu, con cháu đi trường đi lớp thì không đến nơi đến chốn, có cháu còn bỏ học, có gia đình lúc ốm không có tiền để đi khám chữa bệnh... nói chung cuộc sống rất là khó khăn”.

Theo thống kê của Công an huyện Mộc Châu, tại 10 bản biên giới thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Mộc Châu bao gồm: Buốc Pát, A Lá, Pha Nhên, Pu Nhan, Phiêng Cài (xã Lóng Sập); Pha Luông Suối Thín (xã Chiềng Sơn); bản Trọng, Căng Ty, Suối Đón (xã Chiềng Khừa) hiện vẫn còn khoảng 100 người nghiện ma túy; hơn 80 trường hợp đang chấp hành án phạt tù; 13 đối tượng truy nã.

Xác định việc người dân tham gia buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy ảnh hưởng nhiều đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là khiến các gia đình đã nghèo, càng thêm khốn khó, Công an Mộc Châu từ cấp huyện đến các xã đã thành lập các đội công tác “nằm vùng” tại từng bản để nắm bắt tình hình và tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chính sách pháp luật của nhà nước, tránh xa các tệ nạn xã hội.

Thượng úy Nguyễn Minh Khôi, cán bộ Công an xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu cho biết: "Chúng tôi xuống các bản, việc thứ nhất là tiếp xúc với già làng trưởng bản; thứ 2 là phối hợp với bộ đội biên phòng tiếp cận với bà con nhân dân cũng như các đối tượng có các biểu hiện nghi vấn liên quan đến tội phạm để tuyên truyền vận động, hướng tới mục tiêu không còn người nghiện ma túy, cũng như không để xảy ra các vụ việc liên quan đến tội phạm về ma túy”.

Việc chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy của Mộc Châu còn có sự đồng hành của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa bàn.

Thời gian qua, đã có nhiều biện pháp thiết thực hỗ trợ người dân ở đây cam kết từ bỏ ma túy. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hùng- Chủ tịch Tập đoàn Quốc tế Phượng Hoàng - đơn vị quản lý Công ty TNHH phát triển du lịch quốc tế Phượng Hoàng Mộc Châu cho biết, đơn vị đã vận động các hộ dân có người từng tham gia buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy cam kết “nói không với ma túy”, khi thực hiện tốt sẽ được tặng ti vi kèm đầu chảo để thu, phát sóng để xem các chương trình truyền hình.

Đây là cách đã và đang làm nhằm góp sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy lùi ma túy và tệ nạn xã hội, nhất là tại 10 bản biên giới khó khăn của Mộc Châu.

“Qua hơn 2 năm thực hiện chương trình, từ việc thí điểm “bản không ma túy” ở Pha Đón, xã Lóng Sập đến triển khai ở 9 bản biên giới khó khăn khác ở Chiềng Sơn, Chiềng Khừa, tổng cộng Công ty ở huyện Mộc Châu trực thuộc Tập đoàn đã trao gần 140 chiếc TV và đầu chảo cho những người, những nhà xứng đáng.

"Sau 1 năm thực hiện, rất mừng là đã có người Mông ôm chăn ra trụ sở xã xin đi cai nghiện. Cùng đó là nhiều trường hợp trốn truy nã ra đầu thú, nhiều người từ bỏ ma túy, chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế…”, ông Hùng nói./.

Mộc Châu đang quyết tâm làm trong sạch địa bàn, mang đến cuộc sống trong lành, yên vui để người dân yên tâm lao động sản xuất, hiện thực hóa khát vọng thoát nghèo.

Mời các bạn đón xem bài 3: Mộc Châu quyết chiến với đói nghèo.