Vấn đề mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất trở nên "nóng" khi mới đây, tư vấn nước ngoài là Công ty tư vấn ADPi Engineering (Pháp) đưa ra phương án tiếp tục mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về hướng Nam, khu vực đang phải gồng mình vì quá tải trong thời gian qua chứ không phải là mở về hướng Bắc, nơi có sân golf.

Phương án này mâu thuẫn với các phương án của nhóm chuyên gia tư vấn cho Bí thư Thành ủy TP HCM trình lên Thủ tướng Chính phủ.

vov_san_bay_1_woen.jpg
Máy bay nối đuôi nhau trên đường lăn.

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, thành viên nhóm tư vấn cho Bí thư Thành ủy TP HCM, sở dĩ có sự khác nhau là do cách tư duy, đặt vấn đề khác nhau.

Cách tư duy của ADPi là vẫn theo tư duy cũ, tập trung xử lý cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất trong ranh giới sân bay và tách rời khỏi quy hoạch của đô thị. Vì thế kết quả đưa ra chỉ là làm sao để việc tổ chức sân bay tiện nhất chứ không quan tâm đến ảnh hưởng bên ngoài.

Trong khi đó, tư duy của nhóm chuyên gia cho Bí thư Thành ủy TP HCM thì tổng thể hơn, gắn liền quy hoạch sân bay với quy hoạch đô thị với tư duy sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ phục vụ trung tâm TP HCM mà là vùng đô thị TP HCM. Như vậy người đi đến sân bay là cả từ phía bắc và phía nam, tính đến hiệu quả kết nối đô thị.

Hiện ở phía nam đã ách tắc trầm trọng mà còn phát triển về hướng này chắc chắn sẽ thêm nghiêm trọng. Ngoài ra, việc này sẽ cần đến một nguồn kinh phí khổng lồ để giải tỏa mặt bằng, vốn đã chật kín nhà cửa.

Phương án mở về hướng bắc sẽ tiết kiệm một số tiền rất lớn và còn kết nối sân bay với Quốc lộ 1A…

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, mấy chục năm qua, tư duy sân bay tách rời quy hoạch đô thị đã dẫn đến quỹ đất sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng thu hẹp. Vì thế, trong các quy hoạch mới cần phải có tư duy mới, kết nối quy hoạch sân bay với quy hoạch đô thị bởi thực tế trong vài năm qua đã cho thấy nếu tách rời quy hoạch sân bay với đô thị thì hậu quả là ách tắc nặng nề. 

Sân bay Tân Sơn Nhất đang kẹt xe cả dưới đất lẫn trên trời.

"Các nhà lãnh đạo nên rất cẩn trọng. Để có đánh giá công bằng thì nên triển lãm các phương án, thảo luận khoa học trước khi Thủ tướng quyết định. Đánh giá hiệu quả tổng thể và không thể chỉ suy nghĩ cho sân bay mà phải nghĩ tới kết nối đô thị. Nếu nghĩ cho sân bay thì sẽ trở lại y như đã gánh chịu, khi sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách/năm hoặc hơn thì giao thông cửa vào sân bay ở phía Nam sẽ nghẹt cứng luôn", kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết.

Tiến sỹ Phạm Sanh, chuyên gia về giao thông cũng cho rằng khác biệt chính về hướng mở rộng sân bay là do dự báo nhu cầu và cách tiếp cận. Nghiên cứu của ADPi chỉ cho phép sân bay Tân Sơn Nhất nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm, trong khi đó nghiên cứu của nhóm chuyên gia cho Bí thư Thành ủy TP HCM là nâng công suất lên đến 70 triệu lượt khách/năm. Khác biệt đến 20 triệu lượt hành khách dẫn đến các kết quả khác nhau.

TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho rằng khác biệt chính về hướng mở rộng sân bay là do dự báo nhu cầu và cách tiếp cận.

Ngoài ra, các phương án của nhóm chuyên gia cho Bí thư Thành ủy TP HCM đều mở lên hướng bắc bởi đã tính đến chuyện dự báo tiến độ sân bay Long Thành (Đồng Nai) gần như chắc chắn vẫn chưa thể đi vào hoạt động vào năm 2025 như kế hoạch.

Vì thế, nếu như không chuẩn bị phương án nâng công suất lên 70 triệu lượt khách/năm cho sân bay Tân Sơn Nhất chắc chắn sẽ bị động trong tương lai, dẫn đến thiệt hại nặng nề cho kinh tế TP HCM và Việt Nam.

Đồng quan điểm với kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Tiến sỹ Phạm Sanh cũng đánh giá kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu ADPi là mở về hướng nam chỉ tốt cho sân bay thôi chứ không tốt cho TP HCM phát triển bởi dẫn đến những hệ quả như kẹt xe, thoát nước, môi trường, phát triển đô thị.

Tiến sỹ Phạm Sanh cho biết: "Nếu tính trong vòng tròn sân bay thì phía nam tốt hơn nhưng nếu tính tiếp cận thành phố thì phía nam không tốt vì sẽ gây áp lực giao thông. Phát triển phía bắc thì sẽ giải tỏa tâm lý ức chế của người dân về sân golf trong sân bay. Giờ vậy thôi chứ tương lai sẽ ô nhiễm môi trường, nước ngầm. Rõ ràng theo nhóm nghiên cứu thì phía Bắc vẫn tốt hơn phía Nam".

Là một trong những người có thâm niên công tác và kiến thức hàng đầu về hàng không cũng như sân bay Tân Sơn Nhất, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang, cựu phi công Nguyễn Thành Trung rất băn khoăn về kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu đến từ Pháp.

Một góc sân golf Tân Sơn Nhất.

Ông Nguyễn Thành Trung cho biết: Thật ra vùng đất của sân bay Tân Sơn Nhất ngày xưa khi mới giải phóng rất rộng, nhưng dần dần bị thu hẹp dần nên gặp khó khăn khi muốn mở rộng ra như hiện nay.

Điều trăn trở nhất hiện nay của ông là việc xuất hiện sân golf ngay trong sân bay đã làm cho quân đội phải chịu nhiều điều tiếng trong nhân dân, làm cho người dân nghĩ đến vấn đề lợi ích nhóm.

Sân bay Tân Sơn Nhất với mức tăng trưởng đến 13 – 15%/năm nên đã quá tải nặng nề. Sân bay không có chỗ đỗ, thiếu bãi đỗ thì lại có một sân golf trong sân bay thì quả là “một cái gai trong mắt nhân dân” và chắc chắn đã biết kết quả nhân dân chọn sân bay hay sân golf.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, rõ ràng là không thể phát triển về phía nam, dù có nâng cấp hệ thống giao thông đến mấy đi chăng nữa thì chắc chắn các tuyến đường ở khu vực sân bay như: Trường Sơn, Cộng Hòa, Trường Chinh… sẽ quá tải nặng nề:

"Phát triển về phía nam bây giờ làm sao mà phát triển, đất ở đâu phát triển, nhà cửa bít hết rồi. Bảo là mở về phía nam là không đúng bởi không còn đất để mà mở. Chỉ có sắp xếp lại chỗ này, chỗ kia chứ mở rộng thì không có đất. Người ta vẫn cố tình đưa cái đó lên làm đầu bài, chỉ có mở về phía nam, không mở về phía bắc vì có sân golf."- ông Nguyễn Thành Trung nói.

Kẹt xe đường Trường Sơn - cửa ngõ duy nhất vào sân bay hiện nay.

Ông Nguyễn Thành Trung cũng cho rằng Việt Nam cần phải có một sân bay đàng hoàng để phát triển kinh tế, ngoại giao… vì thế phải tập trung mọi nguồn lực để phát triển, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Rõ ràng nếu so sánh bài toán kinh tế nếu mở rộng sân bay về hướng bắc thì lợi ích kinh tế lớn hơn gấp hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn lần nếu như để lại sân golf.

Đại tá, cựu phi công Nguyễn Thành Trung cho biết: "Giải quyết vấn đề là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đừng có quyết vội mà để cho người ta đề đạt ý kiến rồi thăm dò ý kiến nhân dân thế nào, nhân dân muốn gì, phân tích cái đó khách quan hay không, đúng hay chưa? Giải quyết dứt khoát việc này, Chính phủ nên lắng nghe ý kiến nhân dân, thuận theo lòng dân là thuận theo lòng trời thì làm gì cũng được, còn không thuận mà nghe theo nhóm nào đó thì không bao giờ thành công".

Bài toán mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang rất cấp thiết trong bối cảnh mà thời gian sân bay Long Thành đi vào hoạt động dự kiến còn rất lâu. Trước mắt, Chính phủ cần tham khảo những ý kiến tâm huyết, có cơ sở khoa học và thực tiễn của các chuyên gia, các tầng lớp nhân dân… để có một phương án tối ưu, hiệu quả, hợp lòng dân./.