Thanh Hóa:Tập trung khắc phục hậu quả sau bão

 

Theo báo cáo nhanh của các huyện, tính đến ngày 10/9 mưa lũ đã làm 9 người chết, 2 người mất tích, 12 người bị thương. Về tài sản: 137 nhà bị sập, cuốn trôi, 5.269 nhà bị ngập, 18.733 ha lúa, 3.153 ha mía bị ngập (trong đó có 9.467 ha có khả năng mất trắng) gần 4.000 ha ngô và cây màu bị ngập, hư hỏng, 1.161 ha nuôi thủy sản bị ngập, 34 hồ đập nhỏ bị vỡ, hơn 600 m đê bao, đê bối bị tràn và vỡ, hàng trăm mét đê sông Chu bị nứt. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã, liên huyện bị ngập, sạt lở, ách tắc giao thông,v.v... tổng thiệt hại ước tính khoảng 637 tỷ đồng.
Theo thống kê, huyện Thọ Xuân là đơn vị có thiệt hại mưa lũ lớn nhất. Toàn huyện có1.065 ngôi nhà, hàng nghìn ha lúa, ngô, hoa màu bị ngập. Tuyến đê bao ở xã Quảng Phú bị vỡ 3 đoạn với tổng chiều dài 150m; nhiều đoạn đê, cầu cống, đường sá bị hư hại nặng. Tại 2 xã Thọ Lập và Quảng Phú, hiện nay nước lũ rút chậm nên công tác khắc phục hậu quả lũ lụt gặp nhiều khó khăn. Riêng Quảng Phú, cho đến 17h ngày 9/9 toàn xã vẫn bị cô lập do nước lũ. Mới chỉ có thôn 1 nước đã rút và khoảng 80 hộ dân trong thôn đã trở lại nhà.
Mưa lũ làm hàng nghìn ngôi nhà ngập
Do sự cố sạt lở và vỡ đê sông Cầu Chày đoạn qua xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân nên lượng nước lớn đổ về đã làm ngập úng trên diện rộng tại các xã Yên Tâm, Yên Lâm và Yên Giang, huyện Yên Định. Nhiều diện tích lúa đang trong giai đoạn cuối vụ và rau màu có nguy cơ mất trắng.

Trước tình trạng này, sáng 10/9, UBND tỉnh Thanh Hóa họp khẩn với các địa phương bị ảnh hưởng của mưa lũ tiếp tục chỉ đạo các địa phương bơm tiêu nước để cứu lúa, khắc phục hậu quả về môi trường, giao thông và thủy lợi đồng thời hỗ trợ các gia đình có nhà bị sập, đổ và có người bị chết.

Trước mắt, tỉnh Thanh Hóa sử dụng 3 tỷ cứu trợ của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ các gia đình có nhà sập, đổ; khắc phục nhanh các trưởng học bị sập và ngập để học sinh sớm trở lại trường học bình thường.

Nghệ An: Gần 4.000 ngôi nhà bị ngập lụt

Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các địa phương, tính đến sáng nay 10/9 mưa lũ tại Nghệ An đã làm6 người chết.

Ngoài ra, 10 ngôi nhà bị sập đổ, 2 ngôi nhà bị đất đá vùi lấp, 83 nhà bị tốc mái và hư hại, 3.810 nhà bị ngập lụt.

Tính đến ngày 8/9, toàn tỉnh có 11 trường học bị ảnh hưởng do mưa lũ, trong đó 3 trường bị đất đá sạt lở gây hư hại, 19 phòng học bị ngập, 70 bộ bàn ghế và 170 cuốn sách bị nước cuốn trôi.

Thuyền trong trường Tiểu học Hương Đô sau khai giảng đã 3 ngày (Ảnh: Báo Nghệ An)

Hàng nghìn công trình thủy lợ 48 đi qua các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong bị ngập, hư hỏng, nhiều đoạn gây ách tắc giao thông.

 

Hiện tỉnh Nghệ An đang chỉ đạo các địa phương tập trung thu hoạch lúa Hè Thu và các sản phẩm nông nghiệp khác, chỉ đạo các đơn vị thuỷ nông tập trung khơi thông các trục tiêu, vận hành các cống, trạm bơm tiêu úng, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Bên cạnh đó tích cực hỗ trợ, cứu đói và các biện pháp khác nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân vùng bị lũ lụt.
Hà Tĩnh: Nhiều trường ngập, học sinh chưa thể đến trường

Huyện Hương Khê là huyện có thiệt hại do mưa lũ lớn nhất. Theo ông Định Văn Lâm- Chủ tịch UBND xã Hương Đô (Hương Khê) : “Toàn huyện có 1437 hộ bị ngâp lũ. Riêng xã Hương Đô có 910/1213 hộ bị ngập lũ, trong đó 50% số gia đình ngập sâu từ 1,5m. Lũ đã ngâm 60 ha đậu, 50 ha lúa vụ thu, 45 ha ta ngô ở hai bên bờ sông Ngàn Sâu đang ở thời kỳ thu hoạch. Bây giờ nhìn ra đồng ruộng, lũ đã đổ tất cả xuống sông, xuống bể. Nông dân Hương Đô coi như trắng tay. Trước mắt, chúng tôi sẽ lo giải quyết được những hộ thiếu đói, nhưng lâu dài, thách thức thiếu đói là nhãn tiền”.

Tính đến ngày 8/9 toàn huyện Hương Khê vẫn còn 37 cơ sở giáo dục (15 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 9 trường THCS) học sinh chưa thể đến trường.

Sau mưa lũ, quốc lộ 8A hư hỏng trầm trọng. Đoạn qua cầu Nầm, Sơn Châu, Hương Sơn (khoảng 3km) nước, đất đá trên núi tràn xuống đường. Nước ngập ổ gà, lưu hành trên đường rất khó khăn. Đoạn qua Đức Long, Đức Thọ thi công dang dở, đất và nguyên liệu đổ trên đường, nhiều quãng lún sụt xe cộ đi lại khó khăn.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh tiến hành kiểm tra dịch tễ và điều kiện sinh hoạt, đồng thời hướng dẫn người dân cách khử trùng nguồn nước, vệ sinh môi trường...

Trước những thiệt hại do thiên tai, mưa lũ gây ra tại các tỉnh bắc miền Trung, từ mồng 8/9 đến hôm nay, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiến hành cứu trợ khẩn cấp và chuyển hàng hóa, đồ dùng thiết yếu, tổng trị giá 420 triệu đồng cho các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Số hàng cứu trợ gồm 500 thùng hàng, 120.000 viên khử khuẩn Aquatap và 110 triệu đồng tiền mặt để cấp phát cho nhân dân vùng mưa lũ.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện lũ trên các hệ thống sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vẫn còn ở mức cao. Tình trạng ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng ở Nghệ An giảm dần nhưng vẫn còn duy trì trong một hai ngày tới./.