“Lần này mình không phải đón, mà sẽ có cả một đoàn tuỳ tùng của Chính phủ đón nó. Không những được tiếp đón "long trọng" ở sân bay, mà nó còn hân hạnh được Chính phủ mời đi nghỉ dưỡng, nuôi ăn, chăm sóc chu đáo 14 ngày”. Đó là những dòng tếu táo chị N.T.H nhắn nhủ với con trai trên facebook, vừa để con yên tâm nhưng chính là chị tự trấn an sự lo lắng, bồn chồn khi con trai đang trên máy bay từ Mỹ về Việt Nam.

“Chính phủ đã oằn mình chống dịch, giờ lại phải nuôi thêm nó”

Dù con chưa về đến Việt Nam, nhưng cách đây vài hôm, chị H đã đóng góp khoảng 1 tấn gạo qua kênh nhận hỗ trợ dịch Covid-19 của MTTQ Việt Nam, bởi lý do rất đơn giản như những dòng chị nhắn nhủ con trai “to xác, ăn khoẻ, nó lại làm tốn cơm, tốn gạo của Nhà nước. Khổ thân Chính phủ đã oằn mình chống dịch, giờ lại phải nuôi thêm nó. Bu nó không phải siêu sao, cũng chẳng phải đại gia, chỉ đóng góp được mấy tạ gạo tới Chính phủ để chung tay nuôi nó và một phần nhỏ vào chiến dịch chống Covid-19”.

hong_zqer.jpg
Những dòng chị H viết cho con trai nhưng là để trấn an bản thân khi con đang trên máy bay từ Mỹ về Việt Nam

Chị H tâm sự “Chính phủ và mọi người hết lòng vì cộng đồng như thế, tôi lại có con ở nước ngoài về, dù gì cũng thêm gánh nặng cho chính quyền và cộng đồng. Nếu không có con du học, tôi cũng đóng góp, đằng này con trai về cách ly thì việc đóng góp là đương nhiên. Hàng trăm thứ tiền cho một người cách ly, từ xe đưa đón, lo chỗ ăn ở, xét nghiệm, theo dõi sức khoẻ… Mình là bố mẹ mà không hành động, thực sự tôi rất áy náy. Đóng góp của tôi rất nhỏ bé, chỉ mong góp phần đỡ gánh nặng cho Chính phủ phải chăm lo cho con tôi trong thời gian cách ly. Nhìn các anh bộ đội ăn uống qua quýt, nằm ngủ ngoài trời nhưng lại nhường hết những gì tốt nhất cho mọi người, trong đó có con tôi, khiến tôi rất xót xa và suy nghĩ rất nhiều”.

Cũng vì “đóng góp rất nhỏ bé”, nên người viết bài này phải thuyết phục rất nhiều lần chị H mới đồng ý trả lời với yêu cầu “viết tắt tên tôi, tôi đã làm được gì đâu, một chút nhỏ bé như mọi người thôi, vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ công dân. Đưa tên tuổi lên báo, tôi rất ngại". 

Cách đây một vài hôm, Bộ Y tế đã ra Quyết định 1246/QĐ-BYT ban hành "Hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tập trung tại khách sạn trong phòng, chống dịch Covid-19 do người được cách ly tự nguyện chi trả”. Theo đó, người cách ly đang ở cơ sở cách ly tập trung có nguyện vọng chuyển sang các ly tập trung tại khách sạn trên cùng địa bàn và tự nguyện chi trả chi phí lưu trú, các dịch vụ liên quan của khách sạn.

Chị H chia sẻ, khi đọc được thông tin này, gia đình chị rất mừng, chị dặn con trai khi về đến sân bay, nếu được hỏi về nhu cầu cách ly, nên đăng ký theo cách tự nguyện chi phí vì “như thế vừa đỡ gánh nặng cho Nhà nước, vừa tạo công ăn việc làm cho các khách sạn đang trong mùa thất thu vì dịch. Và cách ly như thế, ít người tập trung cũng giảm được việc lây nhiễm chéo. Những gia đình có chút điều kiện nếu chọn cách này cho con em mình, tôi nghĩ là khá hiệu quả”.

Cách ly là một trải nghiệm để con trưởng thành

Kể từ lúc con ra sân bay, chị H đứng ngồi không yên, bất cứ lúc nào có thể, chị đều nhắn tin, gọi điện cho con. Nào là “con ơi mang theo cái chăn nhỏ, con mang theo khẩu trang, đeo ngay khi tới sân bay”; “thường xuyên rửa tay bằng nước rửa tay khô, con dùng nhiều, xoa cả dưới tay”; “tuyệt đối con không được đưa tay lên mặt, mắt , mũi”, “mỗi khi đi vệ sinh, con dùng giấy lót rồi bỏ giấy đi”, “chụp cho mẹ cái mặt đeo khẩu trang xem nào”…. Tin nhắn cứ liên tục, liên tục đến nỗi cậu con trai phát “cáu”: “Mẹ ơi, con không còn nhỏ nữa đâu”.

Nỗi lo lắng của chị H cũng là nỗi lo của nhiều người mẹ khi có con du học lại ở nơi dịch Covid-19 đang lây lan khá nhanh. Để thuyết phục được con về nước cũng là một khó khăn đối với chị. Lúc đầu con trai dứt khoát không về, vì nó cương quyết ở ký túc xá an toàn, không ra ngoài, học online tất cả các môn nên không lo rủi ro.

"Hình ảnh các anh bộ đội ăn uống qua quýt, nằm ngủ ngoài trời nhưng lại nhường hết những gì tốt nhất cho mọi người, trong đó có con tôi khiến tôi xót xa và suy nghĩ rất nhiều"

Nhưng càng ngày, chị H càng cảm thấy lo lắng và hoang mang thực sự. Bang Washington nơi con trai chị học, thành phố Seattle là tâm dịch lớn nhất của Mỹ. Trường của con trai chị lại là nơi xét nghiệm người bệnh trong trường có bệnh viện (University of Washington). Số người mắc Covid-19 ở đó ngày càng tăng, cùng với thường xuyên theo dõi tin tức trên các báo nước ngoài thì việc chữa trị cho người mắc Covid-19 cũng không được quan tâm tốt nên chị H càng lo lắng.

Sau cả tuần từ thuyết phục, năn nỉ đến doạ dẫm, cuối cùng con trai chị đồng ý sẽ về. Một phần con đồng ý vì thương mẹ, một phần vì trường cho học online kì tới, tiếp đến là kỳ nghỉ hè nên con được về nhà đến tận tháng 9. Còn nếu con ở lại thì vài tháng nữa phải trả phòng ký túc xá, khi đó nếu dịch chưa hết mà lại phải đi thuê nhà ở ngoài sẽ rất phức tạp.

Khi con trai đồng ý trở về, người mẹ như vỡ oà vui sướng, dù biết rằng trên đường di chuyển cũng có thể gặp rủi ro về dịch bệnh, nhưng con về nhà vẫn là điều chị H và gia đình mong mỏi, yên tâm nhất lúc này. “Nó cứ nói ở bên đó an toàn, nhưng tôi không hề an tâm tí nào. Dù biết trên đường đi về cũng nhiều rủi ro, có nguy cơ nhiễm dịch, nhưng tôi vẫn nghĩ lựa chọn trở về là cách tốt nhất. Tôi đã nắm được tình hình về đến sân bay là con sẽ đi cách ly, nhưng đó là phương án tốt cho con và gia đình tôi”.

Ngày mai, con trai sẽ về đến Việt Nam, chị đã sẵn sàng tâm lý khi con phải đi cách ly ít nhất 14 ngày. “Tôi đọc báo và tìm hiểu thông tin về nơi cách ly và yên tâm, vì sống trong đó được mọi người quan tâm đầy đủ. Với lại đây cũng là một trải nghiệm để con trai tôi bản lĩnh hơn, biết cách bảo vệ bản thân và có trách nhiệm với mọi người và xã hội”./.

Quê tôi chống dịch Covid-19

VOV.VN -Các gia đình đều có ý thức nhắn nhủ con em đi làm ăn, công tác ở xa, nhất là những địa phương có người mắc Covid-19 ở lại tránh dịch tại chỗ, không nên về quê trong dịp này.