“Em mình mổ đẻ ở bệnh viện Phụ sản bị thiếu máu, bác sỹ bảo nên truyền 400cc, giá hết 6 triệu đồng. Bình thường mình thấy người ta ủng hộ máu nhân đạo nhiều lắm, mà toàn hiến tối đa thôi. Vậy đường đi của máu nhân đạo như thế nào nhỉ, chứ không mình thấy họ lấy máu nhân đạo bán cho các bệnh viện như thế này thì được con số lãi khổng lồ”. Đó là một trong số vô vàn những câu hỏi về đường đi của máu nhân đạo được bắt gặp trên diễn đàn otofun.net, một diễn đàn mạng được rất nhiều người tin tưởng.

mau_1_gqtp.jpg
Máu nhân đạo sẽ đi đâu về đâu?

Thực tế hiện nay có rất nhiều ý kiến trái chiều về đường đi của máu nhân đạo sau khi hiến. Và cho đến nay, điều đó vẫn còn là một câu hỏi đang được bỏ ngỏ khiến nhiều người không “tâm phục khẩu phục” và tỏ vẻ nghi ngờ.

Đường đi của máu nhân đạo sau khi được tiếp nhận

Trên thực tế, không phải tất cả lượng máu thu được từ các chương trình hiến máu nhân đạo là đều có thể giữ lại sử dụng. Các đơn vị máu sau khi thu nhận sẽ được chuyển về Ngân hàng máu để tiến hành sàng lọc, sản xuất, bảo quản và phân phối. Trước tiên, chúng sẽ được làm các xét nghiệm sàng lọc máu bằng kỹ thuật Elisa với hai loại xét nghiệm: Xét nghiệm nhóm máu để phân thành hai hệ nhóm máu ABO và Rh+; xét nghiệm sàng lọc virut, bao gồm virut viêm gan B, viêm gan C, virut HIV, ký sinh trùng sốt rét, vi khuẩn giang mai,… Máu sau khi sàng lọc đạt yêu cầu xong sẽ được đưa vào sản xuất thành các sản phẩm khác nhau, bao gồm: Khối Hồng cầu, khối Tiểu cầu, khối Huyết tương và khối Bạch cầu để đảm bảo tiêu chí “người bệnh thiếu gì truyền nấy”. Sau đó, các sản phẩm máu sẽ được đưa vào bảo quản theo tiêu chuẩn nhiệt độ riêng cụ thể để chờ đến khi sử dụng.

Máu nhân đạo sau khi tiếp nhận sẽ trải qua quá trình xử lý phức tạp và tốn kém

Cả nước hiện nay có 4 trung tâm truyền máu ở Hà Nội, Huế, Chợ Rẫy – tp. HCM và Cần Thơ. Riêng tại Hà Nội, Viện huyết học - truyền máu Trung ương chịu trách nhiệm cung cấp máu cho 54 bệnh viện và 16 tỉnh /thành khu vực phía Bắc.

Tại sao máu nhân đạo lại được bán với giá cao?

Hãy nghĩ về thực trạng thiếu máu ở các bệnh viện hiện nay. Máu được mua, được hiến tặng cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Theo Ths. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Thalassemia (Trung tâm nghiên cứu điều trị bệnh tan máu bẩm sinh) cho biết: “Bình thường trung tâm có khoảng 800 - 900 bệnh nhân, tương ứng với đó cần phải sử dụng từ 800 – 900 đơn vị máu trong một ngày. 

Ngay đến cả lượng máu thu được từ Lễ hội Xuân Hồng – chương trình tình nguyện hiến máu lớn nhất hiện nay, cũng chỉ đủ đáp ứng được nhu cầu máu trong vòng một tuần. Đấy là còn chưa kể đến việc kho máu tại trung tâm còn có trách nhiệm đáp ứng cho 123 các bệnh viện khác tại Hà Nội và khu vực miền Bắc. Vào những đợt cao điểm, trung tâm còn huy động cả gần 800 cán bộ nhân viên tham gia hiến máu để có thể chữa trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất”.

Báo động tình trạng thiếu máu tại các bệnh viện hiện nay

Như đã nói ở trên, thực tế là các đơn vị máu sau khi được hiến sẽ còn phải trải qua nhiều khâu xử lý trước khi sử dụng được cho bệnh nhân, hơn nữa, quá trình bảo quản trong ngân hàng máu cũng khá tốn kém chi phí vì đòi hỏi cần đến hệ thống bảo quản hiện đại. Do đó, cái giá mà người bệnh phải chi trả cho một đơn vị máu cao cũng là chuyện bình thường. “Bây giờ thiếu cái gì người ta truyền cái đó chứ không hẳn truyền máu không, ví dụ thiếu hồng cầu người ta truyền hồng cầu, thiếu huyết tương người ta truyền huyết tương...Thế nên em nghĩ không nên so đo đắt rẻ ở đây”, một thành viên có nickname Polizia phản hồi ý kiến trên diễn đàn otofun.

Hiếm nguồn máu, đắt đỏ chi phí cổ động, thu mua, xét nghiệm (máy móc, hóa chất nhập khẩu,..), bảo quản, thủ thuật truyền,… chính là yếu tố khiến cho giá máu cao lên đến vài triệu cho một đơn vị mà nhiều người vẫn không thể mua để dùng. Có được một đơn vị máu thì coi như là có thể cứu sống được một mạng người. Mà mạng người thì không thể nào so đo chuyện cao thấp được!

Tại sao cần hiến máu với nhóm máu bất kỳ để được mua máu mình cần?

Theo thống kê của Ngân hàng máu Việt Nam thì mỗi năm, các bệnh viện trong nước cần khoảng 1,8 triệu đơn vị máu, nhưng thực tế lượng máu nhận được chỉ xấp xỉ 1 triệu đơn vị, mới đáp ứng được khoảng 53% nhu cầu sử dụng. Mặt khác, số lượng người tham gia hiến máu hiện nay chỉ khoảng 700.000 người trên 90 triệu dân, tính ra tỷ lệ chưa đạt đến 1%. Quả thật là những con số đáng buồn!

Việc các bệnh viện yêu cầu người nhà bệnh nhận hiến máu để đổi lấy máu đang cần là để bù đắp vào kho máu dự trữ. Trên thực tế, nếu không có người hiến máu mà chỉ có người sử dụng và coi việc trả tiền xong là hết trách nhiệm thì sẽ không có đủ nguồn cung đáp ứng được cho việc cứu chữa tại các bệnh viện trên khắp cả nước, bởi máu không thể sản sinh nhân tạo được.

Tuy nhiên hiện nay, người hiến máu chủ yếu vẫn chỉ là sinh viên, trong khi đó những người đi làm lại tỏ vẻ ngần ngại. “Lượng dân văn phòng đi hiến máu còn quá thấp. Nếu như ở Thái Lan việc hiến máu đã trở thành thói quen của cả cộng đồng thì tại Việt Nam, dù đã tuyên truyền rất nhiều nhưng vẫn không có hiệu quả. Tôi cũng không hiểu tại sao nhiều nhân viên văn phòng họ có thời gian, sức khỏe tốt hơn cả sinh viên, điều kiện kinh tế tốt lại không thích đi hiến máu mặc dù lợi ích nhận được khá nhiều”, bác sĩ Hà cho biết thêm.

Ngoài các nguyên nhân như sức khỏe không tốt, sợ máu, sợ kim tiêm, hay lo lắng bị lây nhiễm bệnh tật thì một trong những lý do chính khiến dân văn phòng hiếm khi nghĩ tới việc đi hiến máu là họ không biết đến đâu và làm như thế nào. Được biết vào ngày 23/5/2015 vừa qua, Công ty CP Công nghệ DKT kết hợp cùng với một số đơn vị doanh nghiệp khác tổ chức sự kiện hiến máu tình nguyện "Giọt máu hồng nhân đạo" dưới sự chủ trì của Viện huyết học - truyền máu TW tại tòa nhà Hà Nội Group, 442 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội. Đây là lần đầu tiên có một đơn vị đứng ra dấy lên phong trào hiến máu tình nguyện trong cộng đồng giới văn phòng, thể hiện đúng tinh thần tương thân tương ái của ông cha ta từ ngàn xưa: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Hiến máu không chỉ mang ý nhĩa thể hiện tính nhân văn và lòng nhân đạo của mỗi người mà còn giúp kích thích cơ thể bạn sản sinh ra một lượng máu mới tốt hơn, đồng thời cũng là một lần để bạn kiểm tra sức khỏe của mình. Hơn nữa, với sự ghi nhận của các đơn vị, nếu trong tương lai, người hiến máu có nhu cầu sử dụng thì sẽ được hoàn lại toàn bộ lượng máu đã từng “cho đi”./.