Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua. Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm nhất là vấn đề mang thai hộ. Với hàng trăm cặp vợ chồng hiếm muộn, việc cho phép mang thai hộ sẽ biến ước mơ có con của họ trở thành sự thực.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu mục đích nhân đạo của việc mang thai hộ có bị lạm dụng, biến tướng thành mục đích thương mại hay không? Và việc mang thai hộ nhìn ở khía cạnh đạo đức và pháp lý như thế nào?

2015-duoc-phep-mang-thai-ho_guiy.jpgMang thai hộ giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn có đứa con của riêng mình (Ảnh: KT)

Trao đổi với PV VOV, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, bộ Y tế cho biết, yếu tố cơ sở vật chất cũng như quy định về pháp luật Việt Nam đủ khả năng thực hiện việc cho phép mang thai hộ.

PV: Quyết định về việc mang thai hộ trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi đã gây ra nhiều tranh cãi. Sau nhiều lần cân nhắc điều này cũng đã được Quốc hội thông qua. Dưới góc độ là chuyên gia của ngành y tế, ông có nhận định gì?

TS Nguyễn Huy Quang: Vấn đề mang thai hộ khi được bàn thảo ở Quốc hội có hai luồng ý kiến khác nhau. Một là đồng ý với quy định của pháp luật là cho phép mang thai hộ. Hai là không đồng ý với vấn đề này vì các đại biểu Quốc hội e ngại rằng việc cho phép vấn đề mang thai hộ có thể để lại những hệ lụy về pháp luật, cũng như các khía cạnh của đạo đức xã hội.

Tuy nhiên sau khi cân nhắc, phân tích, nhìn nhận vấn đề mang thai hộ dưới góc độ đạo đức, pháp luật, nhân văn, quyền của con người thì Quốc hội cũng đã thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi trong đó có quy định về mang thai hộ. Dưới góc độ là những người làm công tác pháp luật trong ngành Y tế, có thể nói, việc Quốc hội quy định vấn đề mang thai hộ đã khẳng định quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền được sinh con.

Bên cạnh đó, kỹ thuật y học của Việt Nam hiện nay cũng đã đáp ứng được việc hỗ trợ mang thai hộ, do vậy đây cũng là cơ hội để các cặp vợ chồng hiếm muộn có được đứa con của riêng mình.

PV: Trên thế giới, nhiều nước phát triển cũng chưa cho phép mang thai hộ, trong khi đó thì ở Việt Nam đã bắt đầu cho phép tiến hành vấn đề này. Ông đánh giá thế nào về tính thực thi của quy định này? Về phía ngành Y tế, các yếu tố kỹ thuật sinh sản đã đảm bảo cho vấn đề mang thai hộ chưa?

TS Nguyễn Huy Quang: Các quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, khả năng thực thi của các quy định này khá cao; bởi các quy định của bộ luật khá chi tiết, cụ thể và đồng bộ. Mặt khác, ngành Y tế hiện nay đã cho phép thực hiện các kỹ thuật về hỗ trợ sinh sản, trong đó có kỹ thuật mang thai hộ. Theo thống kê, hiện nay, có 16 bệnh viện trong cả nước thực hiện được kỹ thuật về hỗ trợ sinh sản, trong đó có vấn đề về thụ tinh trong ống nghiệm, tiền đề để thực hiện mang thai hộ.

Có thể nói, ngành Y tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được các kỹ thuật về mang thai hộ.

PV: Thưa ông, trước tình trạng hiếm muộn ngày càng nhiều, quy định cho phép mang thai hộ đã thu hút sự quan tâm có nhiều người, nhất là những cặp vợ chồng có khả năng sinh con. Một độc giả của VOV gửi thư về tòa soạn hỏi: “Vợ chồng tôi kết hôn 5 năm, chữa chạy ở nhiều nơi nhưng chưa có kết quả. Vậy tôi có thể nhờ dì ruột của chồng tôi sinh con được không? Nếu được thì cần thủ tục gì để khi đứa trẻ được sinh ra chắc chắn là giao cho vợ chồng tôi và không gặp vấn đề gì cho đến tận sau này?”.

TS Nguyễn Huy Quang: Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi có quy định rõ ràng về điều kiện để được phép mang thai hộ. Theo đó, người mang thai hộ phải là những người thân thích, cùng hàng bên vợ hoặc bên chồng của người mang thai hộ. Luật cũng có quy định về người thân thích là những người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, có cùng dòng máu về trực hệ và có họ trong phạm vi 3 đời, cùng hàng, do đó, người mang thai hộ phải là những người cùng 1 gốc sinh ra, cha mẹ là đời thứ nhất; anh chị em cùng cha, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ 2; anh chị em con cô, chú, cậu, dì là đời thứ 3. Như vậy trường hợp nhờ dì của chồng mang thai hộ là không thể thực hiện được. Nếu nhờ được người cùng hàng, nếu họ đã có chồng thì phải có sự đồng ý của chồng bằng văn bản.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi cũng có quy định, điều kiện cụ thể đối với người có nhu cầu cần người mang thai hộ phải là những người được cơ quan y tế khám bệnh và xác định là không có tử cung hoặc bị cắt tử cung; được xác định là đã bị xảy thai nhiều lần và không có khả năng mang thai. Ngoài ra, những người này phải có các bệnh lý liên quan đến tim mạch và một số bệnh lý khác khiến không thể mang thai hoặc trong quá trình sinh nở gây nguy hiểm tới sức khỏe của sản phụ.

PV: Nhiều ý kiến lo ngại rằng, liệu quy định mang thai hộ có đảm bảo đúng mục đích  nhân đạo và tránh được thương mại hóa hay không? Đây là vấn đề được các đại biểu Quốc hội bàn luận khá nhiều. Theo ông thì cơ quan chức năng có kiểm soát được việc này hay không?

TS Nguyễn Huy Quang: Việc mang thai hộ có hai khái niệm. Một là mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, hai là đẻ thuê.

Đẻ thuê là hoạt động có lợi nhuận, đã bị Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi quy định cấm. Chính vì vậy, Luật sửa đổi quy định cụ thể mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và đã có các ràng buộc rất chặt chẽ về mặt pháp luật, trong đó có khống chế mối quan hệ họ hàng; cũng như khống chế về điều kiện sức khỏe.

Thông qua các điều kiện chặt chẽ đó, chúng ta sẽ ngăn chặn được tối đa các trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại.

PV: Sau khi đứa trẻ sinh ra, có thể người mang thai hộ không muốn trao lại cho người nhờ. Điều này không phải là không có cơ sở, sẽ dẫn đến tranh chấp, kiện tụng. Vậy ông có thể trao đổi các quy định đã đảm bảo chặt chẽ quyền lợi của các bên hay chưa?

TS Nguyễn Huy Quang: Đây là một vấn đề thực tiễn, bởi nhiều bà mẹ trong quá trình “mang nặng đẻ đau”, người ta coi đó là con của chính mình. Do vậy khi đẻ ra, cũng có các trường hợp người đó không trao lại đứa con cho cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Chính vì những lý do đó, trong Luật sửa đổi cũng đã có quy định cụ thể trong việc xác định cha mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo tại Điều 94: Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ, kể từ thời điểm con được sinh ra.

Như vậy, người được nhờ mang thai hộ không có địa vị pháp lý để xác nhận đó là con của mình. Khi có các tranh chấp xảy ra cũng đã có hợp đồng dân sự được ký kết giữa cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ.

Từ những quan hệ về mặt pháp luật dân sự như vậy, nếu xảy ra các tranh chấp, quyền và nghĩa vụ về mặt pháp luật của các bên vẫn được bảo đảm.

Mặt khác, khi đã có ký kết về hợp đồng dân sự trong việc mang thai hộ, cặp vợ chồng đó đã có các nghĩa vụ đối với người nhờ mang thai về các chi phí vật chất cũng như rủi ro trong quá trình mang thai hộ. Như vậy, về mặt pháp luật, chúng ta cũng đã lường trước được vấn đề này, kể cả các vấn đề liên quan đến kiện tụng.

PV: Để điều luật này thực thi có hiệu quả, theo ông chúng ta cần những điều kiện gì?

TS Nguyễn Huy Quang: Để thực thi điều luật này có hiệu quả, trước mắt, Chính phủ phải có quy định cụ thể về các điều khoản liên quan đến vấn đề mang thai hộ, trong đó có quy định về mẫu hợp đồng cụ thể liên quan đến hợp đồng tư vấn, điều kiện của các cơ sở được phép hỗ trợ mang thai hộ; nội dung tư vấn về pháp luật, đạo đức, tâm lý, sinh lý,…

Trên cơ sở của các quy định pháp luật đó, chúng ta mới có điều kiện cụ thể để tổ chức việc thực hiện mang thai hộ. Mặt khác, Bộ Y tế cũng phải chủ động trong việc chỉ định các cơ sở y tế, trong đó đặc biệt là các bệnh viện thực hiện được các kỹ thuật, hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm; các điều kiện cần thiết đem lại thành công đối với các trường hợp này.

PV: Xin cảm ơn ông!./.