Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của các Câu lạc bộ nữ doanh nhân cả nước, Câu lạc bộ nữ doanh nhân tỉnh Yên Bái đã tập trung mọi nguồn lực để giúp doanh nhân nữ vượt qua khó khăn, phát triển và lớn mạnh, mở thêm nhiều ngành nghề mới, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nữ.

Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có 65 doanh nghiệp nữ với tổng số trên 200 hội viên trong câu lạc bộ, tổng doanh thu mỗi năm trên 1.000 tỷ đồng, đóng thuế cho nhà nước trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 2.000 lao động nữ có thu nhập bình quân mỗi người từ 2 -3,5 triệu đồng/tháng.

doanh-nhan-nu.jpg
Doanh nhân nữ tham gia bán hàng, trưng bày sản phẩm nhân dịp 10 năm ngày thành lập CLB Doanh nhân nữ Yên Bái (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Yên Bái)

Tuy nhiên, theo bà Bùi Thị Sửu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ doanh nhân tỉnh Yên Bái: Cơ sở doanh nghiệp nữ ở tỉnh Yên Bái chủ yếu là nhỏ lẻ, còn nhiều khó khăn dù tổ chức được nhiều cuộc xúc tiến thương mại, nhưng chủ yếu hoạt động đơn lẻ. Đến nay, tỉnh Yên bái chưa có sự hỗ trợ quan tâm đến câu lạc bộ, vì vậy rất cần có sự trợ giúp tại các tỉnh, thành, Hội Phụ nữ thành lập được Trung tâm xúc tiến thương mại của câu lạc bộ, để giới thiệu sản phẩm đến các tỉnh bạn, cũng như có sự kết nối với doanh nhân nữ của các tỉnh, đồng thời đưa sản phẩm của các tỉnh về với Yên Bái”.

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: không chỉ đối mặt với khó khăn trong nước, mà sự mở cửa nền kinh tế quốc tế cũng đòi hỏi nhiều doanh nghiệp có bản lĩnh, nắm bắt cơ hội khẳng định vị trí của doanh nghiệp. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp không chỉ xây dựng chiến lược kinh doanh, sử dụng tốt những lợi thế, mà cần liên kết giữa các doanh nghiệp khác để tạo giá trị bền vững cho doanh nghiệp.

Bà Phạm Thị Thu Hằng nói:“Làm thế nào tỷ lệ doanh nghiệp vừa hoặc lớn trong khối doanh nghiệp nữ tăng lên, để cộng đồng doanh nhân nữ ngày lớn mạnh. Trong bối cảnh hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đang chuyển sang kinh doanh dựa vào lợi thế, như áp dụng công nghệ, có chất lượng sản phẩm, dịch vụ nổi trội, tạo ra sự khác biệt thì sự tồn tại của doanh nghiệp được nâng lên”.

Theo ước tính, cả nước có khoảng 1 triệu doanh nhân nữ. Trong đó, doanh nhân nữ đang điều hành khoảng 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời nữ giới nắm giữ 60% kinh tế hộ gia đình trên toàn quốc, qua đó đóng góp 30% vào GDP của cả nước và giải quyết hơn 30% tổng số lao động hàng năm.

Ông Joakim Parker, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam cho rằng: Phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài các chính sách hỗ trợ từ các Hiệp hội, Câu lạc bộ nữ doanh nhân về cơ chế chính sách hỗ trợ vốn, thuế, mặt bằng sản xuất, công tác tuyển lao động... thì liên kết hình thành mạng lưới cộng đồng doanh nhân chính là giải pháp hiệu quả cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Joakim Parker cho biết thêm: “Chúng ta có thể thấy, thành công trong các hoạt động công trong kinh doanh, doanh nghiệp của Phụ nữ không đơn thuần là sự tăng trưởng về kinh tế mà nó còn góp phần cải thiện nhiều khía cạnh xã hội. Mô hình sản xuất kinh doanh được chia sẻ và nhân rộng sẽ là một trong những nhân tố góp phần mở rộng mạng lưới hoạt động kinh doanh. Đây cũng là một trong những điều kiện thành công, không chỉ trong kinh doanh mà còn hoạt động xã hội của Phụ nữ ”.

Việt Nam trên bước đường hội nhập kinh tế thế giới và gia nhập WTO, điều đó cũng nghĩa doanh nghiệp phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Hơn hết các nữ doanh nhân cần xiết chặt vòng tay liên kết nhằm xây dựng mạng lưới nữ doanh nhân Việt Nam đủ mạnh, tiến xa ra thị trường khu vực và Quốc tế./.