Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, đường Vành đai 3 trên cao của Hà Nội lại ùn tắc nhiều giờ đồng hồ, giao thông đi lại trên toàn tuyến ngưng trệ. Tuy nhiên, đây không phải là tình trạng giao thông ít gặp, mà đã trở thành điệp khúc quen thuộc kiểu “đến hẹn lại lên” vào mỗi dịp nghỉ lễ.

vanh_dai_3_skyf.jpg
Đường vành đai 3.

Vậy đâu là những bất cập về hạ tầng giao thông trên tuyến Vành đai 3? Để làm rõ vấn đề này, phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Phạm Thanh Bình, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long.

PV:Mỗi dịp nghỉ lễ thì đường Vành đai 3 trên cao luôn đứng trước nguy cơ ùn tắc cao. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Ông Phạm Thanh Bình: Tuyến Vành đai 3 của Hà Nội hoàn thành cơ bản vào những năm 2010 – 2012, khi tuyến đường hoàn thành cũng đã đáp ứng giải tỏa được lưu lượng giao thông tương đối ở các cửa ngõ Thủ đô. Tuy nhiên, trong thời gian khai thác tới nay cũng đã nảy sinh ra một số bất cập. Hiện nay vào những ngày nghỉ lễ, cuối tuần hay xảy ra tắc đường. Do mật độ lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao, hạ tầng giao thông của chúng ta chỉ dựa vào đúng tuyến vành đai, việc xây dựng các tuyến vành đai tiếp theo là vành đai 3,5 và vành đai 4 vẫn chưa hoàn thành. Khả năng đáp ứng giao thông tại các nút giao trên tuyến đường vành đai chưa đáp ứng nổi với mật độ giao thông hiện nay.

PV:Ông có thể phân tích cụ thể những bất cập, xung đột giao thông trên tuyến Vành đai 3?

Ông Phạm Thanh Bình: Tất cả các trục giao thông, các đường quốc lộ kết nối với khu vực xung quanh Hà Nội đều phải đi qua đường Vành đai 3 sau đó kết nối đi các hướng khác. Do vậy, hiện nay lưu lượng ở tất cả các nhánh như ở Quốc lộ 1 phía tỉnh Lạng Sơn, rồi từ Hải Phòng về muốn đi phía Nam đều phải đi vòng qua đường Vành đai 3 xuống đường Pháp Vân.

Ngay cả các đường đại lộ Thăng Long hay ở khu vực phía Bắc muốn đi về cũng phải đi qua đường Vành đai 3. Trong khi đó, đường Vành đai 3 trên cao mặt cắt chỉ có 4 làn xe đây là vấn đề thứ nhất. Thứ hai là hiện nay khu vực đường Vành đai 3 đô thị hóa nhanh, tuyến đường nằm gọn trong khu dân cư chứ chức năng không còn là vành đai của thành phố.

Một áp lực nữa được tạo ra là tất cả các nút giao của vành đai với đường phía dưới mang tính chất là nút giao giao thông đô thị, cùng với tính chất giao thông kết nối các tỉnh thành với Hà Nội. Vì thế nên áp lực giao thông lên đường Vành đai 3 càng tăng lên. Ví dụ như nút giao Pháp Vân – Giải Phóng, nó vừa mang chức năng kết nối giao thông từ Hà Nội đi các tỉnh phía Nam lại vừa mang tính chất của giao thông đô thị nên tại nút giao thông này ngày bình thường đã thường xuyên xảy ra ách tắc.  

PV: Theo ông, thành phố Hà Nội cần có những giải pháp gì để khắc phục các bất cập trên tuyến đường Vành đai 3 cũng như phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới?

Ông Phạm Thanh Bình: Chúng ta phải mở rộng các kết nối ở những đường nhánh lên, nhánh xuống của đường Vành đai 3 trên cao ở chỗ nào còn có thể mở được, đây là việc số 1. Chúng ta phải tính toán lại giữa việc kết nối giữa các hệ thống đường cao tốc với nhau.

Hiện nay, đường nhánh ra vào kết nối thường không đáp ứng đủ lưu lượng vì các nhánh kết nối nhỏ, lưu lượng chuyển tải giữa các đường cao tốc lại lớn.

Chúng ta phải xây dựng được thêm các tuyến vành đai 3,5 và vành đai 4. Một điểm nữa rất quan trọng, về sau chúng ta có xây dựng thêm các tuyến đường vành đai nhưng vẫn tổ chức giao thông các tuyến quốc lộ lên đường vành đai cũng không thể đáp ứng được việc luân chuyển cho các tuyến quốc lộ. Do vậy, với một số tuyến quốc lộ trọng yếu ở Hà Nội phải xây dựng đường kết nối trực tiếp không thông qua đường vành đai tuyến. Ví dụ đường phía Bắc liên thông thẳng với trục đường phía Nam hay với Hải Phòng, không đi trên các đường vành đai nữa thì như vậy sẽ giảm tải cho đường vành đai của thành phố.

PV: Xin cảm ơn ông!./.