Lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 25 đến 7 giờ ngày 26 tháng 7 phổ biến trong khoảng từ 50 đến 100 mm, một số nơi lớn hơn như: Sa Pa: 131,4 mm; Lào Cai: 147 mm; Bảo Yên: 193 mm; Vĩnh Yên: 148 mm; Tuyên Quang: 219 mm;

Mực nước các sông đang lên nhanh. Lúc 7h ngày 26 tháng 7, mực nước trên sông Chảy tại Bảo Yên là 73,80m, trên báo động 2: 0,8m, trên sông Thao tại Lào Cai là 80,38m, trên báo động 1: 0,38 m, tại Yên Bái là 29,28m dưới báo động 1: 0,72m, trên sông Lô tại Tuyên Quang là 20,77m, dưới báo động 1: 1,23m.

Dự báo lũ trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình tiếp tục lên.

Sáng 27/7, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng ở mức 31,5m, trên báo động 2: 0,5m, trên sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng ở mức 23,5m dưới báo động 2: 0,5m. Mực nước trên sông Thái Bình và hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhưng còn dưới mức báo động 1.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo, đề phòng  lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên các sông suối miền núi các tỉnh, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái…

Lúc 16h ngày 26/7, mực nước của sông Bằng, sông Hiến, đoạn qua tỉnh Cao Bằng bất ngờ dâng cao khiến cho hàng trăm hộ dân sống hai bên bờ sông phải di chuyển tài sản của gia đình ra khỏi vùng ngập lụt.

Tại thị xã Cao Bằng lúc 17h chiều ngày 26/7, mức nước trên sông Bằng dâng lên mức trên 182 m. Hiện nay, nước trên 2 con sông vẫn tiếp tục dâng cao và bắt đầu chảy vào các nhà dân sống hai bên bờ sông.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng cho biết: tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng trực chiến liên tục, sẵn sàng ứng phó với những tình huống bất ngờ xảy ra. Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng ra thông báo yêu cầu các hộ dân sống hai bên bờ sông đang bị nước lũ uy hiếp chủ động di chuyển người và tài sản, vật nuôi ra khỏi vùng nguy hiểm./.