Mưa lớn kết hợp với xả lũ của một số hồ chứa đã khiến 17 xã trên địa bàn huyện Hương Khê, Hà Tĩnh ngập chìm trong nước. So với đợt lũ trước đó thì nước lũ tại thời điểm này thấp hơn khoảng 1,2m, người dân đang chống chọi với cơn lũ mới trong khi chưa thể khắc phục xong hậu quả do cơn lũ cách đây 2 tuần gây ra.
Lên nhanh nhưng xuống chậm là diễn biến mưa lũ đang diễn ra trên địa bàn huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Hiện các cấp chính quyền huyện Hương Khê phối hợp với lực lượng quân đội, công an tiếp cận các hộ dân vùng ngập úng, chia cắt để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau lũ.
Thượng úy Nguyễn Viết Vinh, Hải đội 2, Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi huy động các lực lượng phương tiện ca nô xuống giúp đỡ nhân dân, đưa hàng hóa cứu trợ nhân dân các vùng bị ngập sâu và địa bàn chia cắt, đưa lương thực, nước uống và mì tôm đến nhân dân. Đồng thời vận chuyển các đoàn công tác đi cứu trợ người dân vùng thiên tai. Đối với chúng tôi đây là nhiệm vụ, trước hết là phải đảm bảo người dân được an toàn về tính mạng và tài sản, không để người dân bị đói, khát.
Nước lũ vừa rút, 500 hộ dân ở xã Lộc Yên, huyện Hương Khê đang khẩn trương trở về nhà để vớt vát những gì còn sót lại.
Vừa nhặt nhạnh ít đồ dùng trên sân nhờ mắc vào các thân cây gãy, đổ do mưa lũ cuốn trôi, chị Nguyễn Thị Thả ở, xóm Bình Phúc, xã Lộc Yên chia sẻ: “Mưa lũ đợt này thiệt hại rất lớn không chỉ riêng gia đình tôi mà toàn bộ các hộ trong thôn. Nước lũ chảy xiết cuốn trôi mọi thứ, gia súc gia cầm không còn gì cả. Nhà khóa cửa nhưng cũng bị lũ cuốn trôi hết mọi thứ”.
Nhiều nhà dân vẫn bị cô lập trong nước lũ ở xã Phương Mỹ, Hương Khê. |
Ông Nguyễn Văn Khanh, người dân tổ 13, thị trấn Hương Khê nói: “Người dân sơ tán tại chỗ, những hộ trên cao nhường cơm sẻ áo, nhường chỗ nằm cho những người dân ở vùng thấp trũng bị ngập úng sơ tán lên. Cần nhất hiện nay là lương thực, thực phẩm và nước uống. Hiện nay cũng đã sang đông, người dân rất cần chăn, màn, quần áo ấm”.
Ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hương Khê cho biết, lũ chồng lũ liên tục làm cơ sở hạ tầng ở địa phương thiệt hại nặng nề. Sản xuất nông nghiệp bị đình trệ đã 45 ngày qua, người dân ở địa phương không thể sản xuất do tình trạng ngập úng.
Bên cạnh đó, địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề vệ sinh môi trường sau lũ. UBND huyện Hương Khê đã yêu cầu các địa phương vùng chịu thiên tai tăng cường tuyên truyền để người dân không chủ quan sau khi lũ rút.
Trong khi chờ nước rút mỳ tôm là lương thực chính của người dân vùng ngâp sâu ở xã Lộc Yên. |
“Cần tuyên truyền vận động người dân không đi vớt củi, đánh bắt cá trên sông ở những vùng lũ. Bên cạnh đó cũng cần đặc biệt chú ý sau khi lũ rút khẩn trương rà soát các công trình cơ sở hạ tầng hồ chứa xuống cấp để kịp thời phát hiện sự cố chủ động trong ứng phó, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân”, ông Huấn nói.
Đến chiều và tối 2/11, trên địa bàn huyện Hương Khê, mặc dù mưa đã ngớt nhưng tình trạng ngập úng vẫn còn ở 17 xã, với tổng số 2.582 hộ dân nơi đây bị ảnh hưởng./.