Trong lớp học miễn phí của bà giáo già Nguyễn Thị Thông là những học sinh nghèo, khuyết tật, và những người dân mù chữ nơi cửa biển Hậu Lộc, Thanh Hóa. Sự cảm thông, thấu hiểu khó khăn của những học sinh này chính là động lực để bà giáo già miệt mài 16 năm trời “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
Hành trình lớp học tình thương
Ở miền quê ven biển xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, 16 năm nay hình ảnh bà giáo già Nguyễn Thị Thông ngày ngày say sưa đến lớp học xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học miễn phí cho hàng trăm học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật và người dân nghèo đã trở thành hình ảnh thân thương, chan chứa bao ân tình và cả sự hy sinh lớn lao của tấm lòng nhà giáo.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thông sinh năm 1946 trên mảnh đất nghèo ven biển thuộc thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.
Lớp học đặc biệt của bà giáo già. |
Sau 35 năm cống hiến cho ngành giáo dục, năm 2001 khi nhận quyết định nghỉ hưu theo chế độ, được sự tín nhiệm của nhân dân và chính quyền địa phương, bà Thông đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội khuyến học xã Ngư Lộc.
Sinh ra và gắn bó với mảnh đất nghèo nơi triền sóng, hơn ai hết bà Thông thấu hiểu những vất vả, khó khăn của các em học sinh trên hành trình đến trường.
Mỗi em một hoàn cảnh khác nhau, em thì đang học dang dở chưa qua bậc tiểu học vì gia đình kinh tế khó khăn phải nghỉ học; em thì tật nguyền vì mặc cảm, xấu hổ với bạn bè nên không dám đến trường... Chứng kiến những hoàn cảnh ấy mà lòng bà quặn thắt. Nhiều đêm trăn trở, bà tự nhủ phải làm gì đó để giúp các em có cơ hội hòa nhập với cộng đồng.
Nghĩ là làm, được sự đồng thuận của chính quyền địa phương, bà hăng hái bắt tay sắm sửa bàn ghế, đồ dùng học tập như sách vở, bút... bằng tiền lương hưu ít ỏi của mình để chuẩn bị mở lớp đầu tiên. Lớp đã có, thầy đã có, nhưng chỉ có điều là chưa có học sinh.
Bà Thông lặn lội, gõ cửa từng nhà vận động các bậc cha mẹ cho con em đến lớp học miễn phí của mình. Năm 2002, từ căn nhà đơn sơ, tuềnh toàng của bà Thông, lớp học tình thương đầu tiên đã khai giảng với gần 20 em ở mọi lứa tuổi khác nhau. Bằng tình thương và trách nhiệm của mình, bà Thông không quản ngại gian nan, dạy chữ, dạy cách làm người cho nhiều em nhỏ không có điều kiện đến trường, mở ra cho các em cơ hội vươn đến tương lai tốt đẹp hơn.
Rồi nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ quanh năm suốt tháng lênh đênh trên biển, gác mái chèo là treo niêu, cơm ăn không đủ no, khiến họ không nghĩ tới việc con cắp sách tới trường. Biết bà Thông mở lớp miễn phí, nhiều người tìm tới nhờ bà Thông “gieo con chữ”. Hơn chục năm nay, ban ngày bà Thông dạy lớp tình thương cho các em, ban đêm bà lại mở lớp dạy xóa mù chữ cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết: “16 năm qua, lớp học tình thương của bà giáo Thông đã giúp hơn 100 em độ tuổi 14 -16 được học hết chương trình tiểu học, trong đó có 40 em chuyển lên học tiếp cấp THCS, hơn 100 người lớn ở mọi lứa tuổi được học lớp xóa mù chữ.
Việc làm bình dị của bà giáo mang tính nhân văn sâu sắc, hiệu quả xã hội lan tỏa. Bà giáo Nguyễn Thị Thông cũng đã trở thành hạt nhân của chương trình xây dựng xã hội học tập và phong trào khuyến học khuyến tài của địa phương”.
Thầy giáo 30 năm “không biết ngồi” truyền cảm hứng cho học sinh
Thành quả của việc “gieo chữ”
Chúng tôi đến thăm lớp học của bà giáo già vào một ngày tình cờ không hẹn trước. Lúc ấy có 6 em đang chăm chú nghe bà giáo giảng bài. Trong đó có em Hoàng Thị Thảo mắc bệnh thần kinh, liệt tay chân; em Nguyễn Văn Dương thiểu năng trí tuệ, học 3 năm mới biết đọc, biết viết; em Nguyễn Văn Nguyên bị liệt cả tay cả chân; em Đặng Thị Phượng thì mới mổ tim. Các em đều sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nghèo túng.
Lặng nhìn bà giáo Thông cặm cụi cùng các em khuyết tật “đánh vật” với những nét chữ trên trang giấy trắng, khó nhọc khi đánh vần một từ, chúng tôi mới cảm nhận được nỗi vất vả, khó khăn cùng với sự kiên trì của bà Thông khi “gieo từng con chữ” cho các em có hoàn cảnh đặc biệt này.
Sức lao động của bà khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ. Dù ở tuổi 72, nhưng mỗi sáng bà Thông vẫn dành thời gian cho công tác khuyến học, buổi chiều bà lại đứng lớp. Có lần bị ngã gãy tay, phải đi bó bột, bác sĩ dặn bà phải nghỉ ngơi một thời gian vì tuổi già sức yếu, xương khớp bị lão hóa lâu hồi phục. Nhưng bà không chịu, chỉ ít ngày sau bà lại đi làm.
Khi cán bộ xã khuyên bà nên nghỉ ngơi thêm thì bà xua tay và nói: “Tôi mà nghỉ lâu, học sinh tự ý bỏ học, mỗi đứa một nơi sau này tập hợp lại khó lắm. Biết là liều nhưng cũng phải gượng để đi, không đến lúc chẳng còn học sinh nào mà dạy”.
Khi trò chuyện với chúng tôi, bà tâm sự rất khiêm tốn: “Công tác trong ngành giáo dục mấy chục năm, tôi đúc rút được nhiều kinh nghiệm từ giảng dạy cho đến nắm bắt tâm lý của lứa tuổi này. Giờ dạy các cháu cũng là để những kinh nghiệm ấy không bị bỏ phí; vừa giúp các em biết chữ, giúp bố mẹ chúng giảm bớt gánh nặng, lại cũng giúp đầu óc tuổi già không bị trì trệ và dẻo dai cho sức khỏe chứ không có gì to tát”.
Ông Nguyễn Văn Sỹ, Trưởng phòng giáo dục huyện Hậu Lộc cho biết: “Từ xưa cuộc sống của người dân Ngư Lộc đã gắn bó với biển, nhiều người từ tấm bé đã được bố mẹ hướng cho nghề đi biển và nghĩ không cần phải học hành nên đến nay dù nhiều người lớn tuổi chưa biết chữ. Nhưng nhờ làm tốt công tác khuyến học, lại trực tiếp giảng dạy nhiều lớp học, cho nhiều lứa tuổi khác nhau, nhất là trẻ em nghèo, tật nguyền, bà giáo Thông đã giúp cho phong trào học tập của Ngư Lộc phát triển rõ rệt. Không chỉ riêng tôi mà ngành giáo dục, Huyện ủy, UBND huyện Hậu Lộc, cũng như nhân dân trong toàn địa phương luôn ghi nhận và biết ơn tấm lòng vàng, nhiệt huyết của nhà giáo nhân hậu Nguyễn Thị Thông”./.
Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc: Từ những cống hiến đáng trân trọng, bà Nguyễn Thị Thông vinh dự được nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh Thanh Hóa. Ngày 20/11/2014, bà là 1 trong 3 nhà giáo được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư khen ngợi. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ về thăm Thanh Hóa (20/2/1947 - 20/2/2017), tại buổi giao lưu với các cá nhân đạt danh hiệu “Vì sự phát triển Thanh Hóa”, bà là 1 trong 11 nhân vật tiêu biểu được vinh danh...