Liên quan đến vấn đề quyền bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1 giữa nông dân với Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (viết tắt là Công ty Hoàng Phát Fruit) mà VOV đã có phản ánh, đến nay, các đơn vị liên quan đã có buổi làm việc; qua đó, thống nhất, chưa cần thiết đề xuất mua lại bản quyền giống thanh long LD1 từ doanh nghiệp Hoàng Phát. Việc bảo hộ quyền sở hữu giống thanh long chỉ thực hiện khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Việc bảo hộ này yêu cầu phải trả tiền tác giả là đúng theo luật pháp, đồng thời được khuyến khích nhằm tránh việc giống thanh long này rơi vào quyền sở hữu của nước ngoài, gây hệ lụy cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.

“Gỡ rối” quyền bảo hộ giống thanh long

Theo lãnh đạo huyện Châu Thành vùng trồng thanh long lớn nhất tỉnh Long An, từ khi Công ty Hoàng Phát Fruits mua quyền bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1 chưa ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ thanh long. Hoàng Phát Fruits đang nắm giữ bản quyền bảo hộ giống nhưng vẫn để cho bà con nông dân sản xuất, không thu tiền bản quyền. Tuy nhiên, huyện Châu Thanh cho biết là chưa thể khẳng định được về lâu dài sẽ có thay đổi gì không, song doanh nghiệp xác nhận điều kiện để nông dân và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn có thể nhân giống thanh long để tái sản xuất và tham gia chính sách hỗ trợ của tỉnh.

Còn ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thanh Long tỉnh Long An cho biết, đơn vị sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa, sẵn sàng ký giấy xác nhận đồng ý cung cấp bản quyền cho việc quyết toán khi thực hiện các chương trình hỗ trợ giống thanh long cho bà con nông dân theo Quyết định 40 ngày 4/10/2021 của UBND tỉnh Long An. Đồng thời, tạo điều kiện doanh nghiệp và nông dân tiêu thụ thanh long LD1 ở thị trường nội địa, thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ... Đối với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc thì phải liên hệ doanh nghiệp để xác định quyền và nghĩa vụ có liên quan. Công ty Hoàng Phát Fruit cũng cam kết có kế hoạch đầu tư và bao tiêu sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Qua đó, cũng yêu cầu nông dân đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng đối với 2 thị trường khắt khe này.

“Chất lượng sản phẩm ra nước ngoài rất là quan trọng. Tại vì hiện nay trái Thanh Long không chỉ riêng Việt Nam mình bán mà còn nhiều nước khác họ cũng bán nữa. Cho nên mình làm sản phẩm phải chỉnh chu rồi mình mới đưa ra nước ngoài. Nhằm tránh tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, sau này phá giá, đưa giá rẻ rồi xảy ra tình trạng bán sản phẩm không tốt”, ông Nguyễn Khắc Huy nói.

Đồng thuận với quyền bảo hộ giống thanh long

Về vấn đề quyền bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1, các ngành chức năng của tỉnh Long An đánh giá cao vai trò tiên phong của Công ty Hoàng Phát Fruits trong thực hiện bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ và xây dựng thị trường quốc tế cho trái thanh long. Qua đó, đồng thuận việc bảo hộ giống cây trồng vật nuôi theo Luật Sở hữu trí tuệ. Ngành chức năng của tỉnh Long An cũng thống nhất việc chưa cần thiết đề xuất mua lại bản quyền giống thanh long ruột đỏ LD1 từ Công ty Hoàng Phát Fruits.

“Sở hữu trí tuệ giờ đã có luật, chúng ta phải thực hiện. Tất nhiên bữa giờ chưa rõ ràng chứ thực tế các sở ngành đều ủng hộ. Nếu chúng ta không bảo hộ mà nhỡ bên Trung Quốc hoặc nước nào khác lỡ họ đăng ký thì gây khó, rối rắm cho bên mình ngay. Cũng có ý kiến tỉnh nên mua lại bản quyền, nhưng khi tỉnh mua lại thì ai sẽ quản lý, ai sẽ là người đứng ra để làm, điều này cũng rất khó”, ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết.

Trước đó, trong quá trình trồng khảo nghiệm, Viện Cây ăn quả miền Nam đã bán giống thanh long LD1 cho người dân huyện Châu Thành (Long An) trồng và nhân giống. Những năm sau, viện này lại bán cho Công ty Hoàng Phát Fruit và công ty này làm chứng nhận bảo hộ giống. Vừa qua, nông dân, doanh nghiệp muốn xuất khẩu giống thanh long này cần có mã số vùng trồng, nhưng không được cấp vì bị vướng quyền bảo hộ giống.

Liên quan đến quản lý mã số vùng trồng thanh long tại Long An, đại diện Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin: Ba vùng trồng thanh long ruột đỏ của Công ty Hoàng Phát Fruits đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để duy trì mã số vùng trồng xuất khẩu đi Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc; đủ điều kiện để gắn mã số xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản.

Bốn vùng trồng thanh long ruột đỏ còn lại của Cơ sở thu mua thanh long Tư Ở, Cơ sở thu mua thanh long Hoàng Long, Công ty CP Cuộc Sống Tốt Lành và Công ty TNHH Chế biến Trái cây Yasaka cũng đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để duy trì mã số vùng trồng xuất khẩu đi Hoa Kỳ, Úc, New Zealand.

Riêng với vùng trồng thanh long ruột đỏ đăng ký xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, Cục Bảo vệ thực vật cũng đề nghị cung cấp tên giống để có căn cứ gắn mã số cho các vùng trồng này. Bởi theo quy định, Nhật Bản chỉ chấp thuận nhập khẩu thanh long ruột đỏ giống lai giữa Hylocereus undatus và Hylocerus costaricensis LD 1.

Để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ tốt cho nhu cầu xuất khẩu, tại cuộc họp đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc vấn đề bảo hộ giống thanh long cho nông dân Long An ngày 11/7 cũng thống nhất Hội Nông dân, các ngành các cấp tỉnh Long An có trách nhiệm tuyên truyền. Trong đó có nông dân, doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc luật sở hữu trí tuệ, từng bước sản xuất, kinh doanh thích ứng với qui luật thị trường quốc tế để đạt hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ nông sản./.