Ký ức kinh hoàng
Dẫu không biết đất nước Angola nằm ở vị trí nào trên bản đồ thế giới, không hiểu kinh tế của họ ra sao, công việc, điều kiện sống thế nào nhưng cũng như bao lao động khác trên địa bàn, anh Nguyễn Đình Công ở xóm Bạc, xã Hưng Tây, tỉnh Nghệ An chẳng chút lăn tăn khi đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang đất nước này bằng đường du lịch. 140 triệu đồng nhờ bố vợ, người thân vay ngân hàng đã chồng đủ, vay thêm vài chục triệu đồng để lo chi phí chuyến đi, tháng 2/2012 anh Công lên đường sang Angola làm nghề xây dựng.
Không như viễn cảnh mà người môi giới đã “vẽ”, đặt chân đến vùng Benfica (Luanda), chứng kiến những gì đang diễn ra, anh Công mới thực sự hối hận. Chưa nói đến điều kiện nơi ăn chốn ở của những lán trại vô cùng tạm bợ, mà chỉ nhìn quang cảnh cuộc sống nơi đây đã khiến anh vô cùng chán ngán. Anh kể: “Ở vùng tôi ở, dân trí rất thấp, cực kỳ nghèo khổ, họ không có đồ ăn, lúc nào cũng đói khát. Đến bữa ăn, trẻ con, người lớn đứng vây quanh chầu chực. Mình ăn thừa thì họ xông vào hôi. Có khi đánh nhau vì miếng cháy. Mình đi làm thì họ vào lục cơm nguội, lục đồ đạc”.
Chị Nguyễn Thị Phương - vợ anh Công kể lại tình cảnh lúc đó |
Được anh em cảnh báo về khí hậu nơi này vô cùng khắc nghiệt, môi trường, nước sinh hoạt độc hại, anh Công đã rất cẩn trọng nhưng chỉ sau 1 tháng làm việc ở đây, anh đã lãnh đủ. “Ở đây biển sát rừng, gió mát nhưng rất độc. Nước ăn lấy từ suối. Nguồn nước bị ảnh hưởng bởi rừng lim, mỏ dầu, mùi vị rất hắc, rất khó chịu nên ai cũng mắc bệnh, nhiều nhất là sốt rét. Tổ có 11 người thì ai cũng bị. Tôi sang được hơn 1 tháng thì bị sốt rét, ốm triền miên. Ở bên này người Việt Nam chết rất nhiều vì căn bệnh này”, anh Công kể.
Nếu như khổ sở, bệnh tật là điều chỉ khiến những lao động như anh Công lo lắng và cố gắng xoay sở để khắc phục thì nạn cướp bóc, trấn lột mới thực sự là nỗi sợ hãi, kinh hoàng đến cùng cực.
“Khi mới sang, tôi đã gặp cướp 2 lần. Chúng ngang nhiên đi 4 chiếc xe tải, tay xách súng xông vào đánh đập anh em dã man để lấy tiền, điện thoại, dụng cụ làm việc. Lần thứ 2 đi câu cá ở biển thì bị chúng quây đánh. Những lúc như thế anh em chỉ biết quỳ xuống và lạy chúng như tế sao. Bởi nếu kháng cự chúng bắn chết luôn. Có 1 anh đã bị đánh chết tại chỗ”, anh Công nhớ lại.
Cũng như anh Công, anh Quang ở xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn vẻ mặt bàng hoàng khi kể về thời gian làm việc tại Angola. Với anh, gặp cướp là trải nghiệm kinh hoàng nhất trong cuộc đời: “Tôi gặp cướp 2 lần. Đêm đến, chúng đập cửa mà không mở là xả súng luôn. Tôi bị chúng trói gô lại, có gì là lấy hết. Thấy sẵn búa là chúng đập luôn, chỗ tôi cũng có vài anh bị giết rồi. Vậy nên, kinh nghiệm là khi bọn nó trấn thì để cho lấy không thì sẽ bị bắn. Vừa rồi, quê tôi có cậu tên Thường mới đưa xác về chưa được 1 tháng, bị giết quăng dưới hồ, tìm mãi thấy chân rồi lôi lên”.
Luật “rừng” đối với lao động tại Angola
Không chỉ bị nạn cướp bóc lộng hành, một nỗi sợ hãi nữa mà bất cứ lao động người Việt nào cũng phải trải qua đó là bị cảnh sát sở tại truy quét hoặc “làm luật”.
Hầu hết người lao động sang Angola bằng còn đường du lịch hoặc thăm thân, do vậy hộ chiếu được cấp có thời hạn rất ngắn. Nắm được điểm yếu đó, lao động Việt Nam thường bị kiểm tra hộ chiếu đột xuất. Theo một số lao động từ Angola trở về, nếu lao động bị cảnh sát bắt, chi phí để đút lót có thể đến vài chục hoặc vài trăm USD/ 1 lần để được thả ngay, nếu bị đưa vào tù có thể lên đến hàng nghìn USD nếu không muốn trục xuất.
Chị Nguyễn Thị Quý không khỏi hoang mang khi nhắc tới những khó khăn của chồng phải đối mặt nơi xứ người |
Ngày đi làm chui lủi, vắt kiệt sức tại các công trường trong điều kiện làm việc mất an toàn lao động, đối phó với lực lượng cảnh sát liên tục truy quét và bỏ tù lao động bất hợp pháp, đêm về nơm nớp nỗi lo cướp bóc cộng với bệnh tật kéo dài, tinh thần của hầu hết lao động đều suy sụp. Sau 2 năm làm lụng để gỡ gạc vốn, anh Quang quyết định về nước.
Còn với anh Công, trở về là một quyết định khó khăn. 6 tháng làm việc chui lủi tại Angola gặp rủi ro, bệnh tật triền miên nên nợ nần thêm chồng chất. Gia đình không có tiền gửi sang, mà ở lại là cầm chắc cái chết. Nhớ lại tình cảnh lúc đó, chị Nguyễn Thị Phương -vợ anh Công gần như bó tay không biết xoay sở thế nào. “Làm chi có tiền mà gửi sang, vì trước đó đã vay 140 triệu đồng từ ngân hàng, cũng là nhờ ông ngoại và nhiều người vay. Trước khi đi họ nói có giấy tờ, bảo lãnh thì yên tâm nhưng chừ như rứa đành bảo chồng vay tiền đứa cháu lấy tiền mua vé về, nếu không bỏ mạng bên đó rồi”, chị Phương nhớ lại.
Sau 6 tháng suýt bỏ mạng xứ người, trở về nhà với sức khỏe hoàn toàn suy sụp, nhưng anh Công vẫn phải gắng gượng đi làm trả món nợ gần 200 triệu đồng.
Khắp thôn xóm ở Hưng Tây, đâu đâu người ta cũng nói về những hậu họa do đi XKLĐ chui ở Angola mang lại. Chị Nguyễn Thị Quý (xóm 6) kể: “Chồng tui khổ lắm. Họ thích bắt khi mô thì bắt, vì đi làm chui lủi. Nếu bắt được, họ phạt 1000 USD. Bị công an đuổi vài lần rồi, chạy bị trật khớp chân, bong cả gân tay”.
Nghe đến đây, chị Trương Thị Hải cho biết thêm: “Các cháu kể, cứ mỗi lần bị bắt giam là phải chuộc mất 1000 USD. Hàng xóm tôi có con đi 1 năm bị đánh thừa sống thiếu chết, thấy vậy, đứa cháu tôi cũng đang vay tiền để về”.
Đi qua những làng xã trù phú, mà phần không nhỏ là nhờ lực lượng lao động đi làm việc tại Angola hùng hậu gây dựng nên nhưng Phó chủ tịch UBND xã Trần Văn Hiển không mấy vui. Hôm nay đến thăm gia đình nạn nhân xấu số tử vong tại Angola, ngày khác nhận tin người này người khác phải trở về với nợ nần chồng chất, bệnh tật kéo dài và những hung tin như thế này nhiều vô số kể.
Ông Hiển lo lắng: “Như lao động Cao Minh Trung, con của một người hàng xóm, thấy chủ trả ít lương, nên đòi thêm, nhưng đến đêm thì bị ông chủ thuê người đến rạch mặt. Chúng xử bằng luật rừng, nên chẳng dám ho he nữa. Chúng tôi vô cùng lo lắng mà chẳng biết làm cách nào”
Chỉ tính từ đầu tháng 4/2013 đến nay, đã có ít nhất 6 lao động trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh bị tử vong khi đang mưu sinh tại đất nước Angola. Những lao động may mắn có tiền hoặc vay mượn được đã tìm cách trở về nước, những lao động không có tiền đành ở lại, phó mặc cho số phận với rất nhiều mối nguy rình rập.
Sẽ còn bao nhiêu rủi ro, bao nhiêu trường hợp bi thương, xảy ra với những lao động Việt Nam tại Angola? Chắc chắn những con số sẽ chưa dừng lại. Và phải khẳng định, những vụ việc, những con số mà chúng ta biết được khác xa với tình hình thực tế./.