Theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VOV, bên cạnh một vài ý kiến ái ngại, nhiều người ủng hộ việc cung cấp thông tin qua loa phường.

Loa phường sẽ thích ứng với thời đại 4.0

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, khi cuộc sống có sự thay đổi cũng như phương thức truyền thông có thay đổi, Sở cũng đã tham mưu với lãnh đạo thành phố cách thức vận hành loa phường làm sao có hiệu quả, thân thiện hơn với người dân.

“Trước đây bố trí những cụm loa rất lớn, tới hàng chục loa chẳng hạn. Hộ dân nào ở gần những cụm loa đó sẽ bị ô nhiễm tiếng ồn rất lớn. Nay, chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh, lắp ít loa đi, mỗi cụm chỉ có 1-2 loa thôi, do vậy cũng giảm tiếng ồn rất nhiều”, bà Hương cho biết thêm.

Cũng theo bà Hương, theo Quyết định 1246 cho phép các địa phương căn cứ nhu cầu truyền thông để chủ động quyết định số lượng loa và vị trí lắp đặt loa theo nguyên tắc tránh các khu vực có trường học, khu vực có nhiều người già, khu vực đoàn ngoại giao... đồng thời có sự thay đổi về thời lượng phát sóng. Đối với các quận nội thành, thời lượng phát thanh tối đa 15 phút/lần và 1 ngày tối đa không quá 2 lần, trừ trường hợp đặc biệt như tuyên truyền phòng chống dịch bệnh hay tuyên truyền về các sự kiện kỷ niệm... Thông tin phát thanh cũng phải thực sự thiết yếu với cuộc sống của cộng đồng dân cư ở đó.

Loa phường hữu ích cho đông đảo người dân

Ông Hoàng Văn Khánh (Vân Hồ, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, ở lứa tuổi hơn 80 của vợ chồng ông, để đọc tin tức trên mạng xã hội không dễ dàng. Nhờ chiếc loa trước cửa nhà, ông bà đã cập nhật thông tin hay thông báo của UBND phường thuận tiện hơn.

“Loa trước kia mới phiền. Nó rè, âm to nhưng không rõ. Giờ thay loa mới rồi nghe rõ ràng hơn, âm lượng cũng dễ chịu. Một ngày loa phát 2 lần, mỗi lần 30 phút. Tầm 6h30 và 16h30 loa phát thông tin thời sự hoặc thông báo của phường. Đợt dịch nhờ mấy cái loa này cũng tốt. Họ gọi đi tiêm, thông báo dịch bệnh”, ông Khánh nói.

Đối với một số người khác, việc nghe thông tin qua loa phường mang đến cảm giác an tâm, tin cậy hơn bởi thông tin trên mạng xã hội quá nhiều và một số chưa được kiểm chứng.

“Tôi rất thích đọc mạng xã hội nhưng loa phường cũng tốt. Được phát trên loa phường cũng là một lần lọc thông tin cho mình rồi. Giống như đài phát thanh với ti vi đó, thông tin qua loa phường sẽ chuẩn hơn. Còn trên mạng xã hội thông tin nhiều quá. Cốt chuyện có thể có một nhưng “thêm mắm thêm muối” thành ra sai. Cá nhân tôi thấy loa phường như hiện nay cũng hữu ích”, ông Nguyễn Văn Tuấn, quận Hai Bà Trưng bày tỏ.

Còn đối với lứa trẻ như Hoàng Khánh (quận Thanh Xuân), kênh tiếp nhận thông tin chủ yếu vẫn là mạng xã hội, song bạn vẫn cho rằng với việc áp dụng công nghệ mới cho hệ thống loa, cùng với thông tin chắt lọc, thời lượng và thời điểm phát hợp lý sẽ giúp những người lớn tuổi tiếp nhận được thông tin mới tốt hơn.

“Bản thân mình thấy ông bà ở nhà tiếp cận với thông tin hạn chế, vì thế thông tin được truyền tải qua loa phường đã được chắt lọc sẽ rất hữu ích cho người ở nhà. Bởi các cụ vẫn luôn giữ thói quen nghe đài. Vì thế mình rất ủng hộ việc cải tiến loa phường. Trước đây phát dồn dập các chương trình cả ngày rất khó chịu”, Hoàng Khánh chia sẻ.

Tận dụng nguồn lực địa phương, nội dung thiết thực

Theo ông Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc kênh VOV Giao thông quốc gia, tất cả chúng ta ai cũng có kỷ niệm không thoải mái về loa phường trong quá khứ. Bởi vì chúng ta đã duy trì một hệ thống loa phường từ rất lâu, không cải tiến, trong khi xã hội đã phát triển. Rõ ràng khi có kỷ niệm không vui đó thì chúng ta dễ có định kiến về loa phường.

“Mọi người đang nghĩ rằng hệ thống loa phường mới sẽ giống như hệ thống loa phường mà mọi người đã có những trải nghiệm không vui nên tôi hiểu việc mọi người phản ứng. Tiếp nữa, mọi người nói có nhiều phương thức hiện đại hơn để tiếp cận thông tin truyền thông cơ sở thay vì cái hình thức cũ kỹ như loa phường. Tôi không nghĩ là loa phường cũ kỹ nếu như chúng ta biết cách tổ chức hoạt động và có quy định để tránh làm phiền đến người dân”, ông Tuyến bày tỏ.

“Nhiều ý kiến nghiêng về phía là chúng ta có nhiều group facebook, zalo… Thực tế khi có nhiều group facebook, zalo… và thường xuyên, liên tục nhận được những thông báo thì bạn còn khó chịu hơn rất nhiều. Nhiều người tôi biết họ phải tắt tiếng hầu hết các group trên zalo của mình. Tôi cho rằng việc chia sẻ những thông tin cộng đồng một cách chủ động và không bị ảnh hưởng quá sinh hoạt riêng tư của người dân thì tôi nghĩ đấy là một cách cần thiết để chúng ta có thể chia sẻ thông tin cộng đồng”, ông Tuyến nêu ý kiến.

Theo ông Phạm Trung Tuyến, ngoài vị trí đặt, thời lượng phát sóng, nội dung thông báo trên loa phường cũng cho thấy sự cần thiết của thiết bị này.

Thứ nhất, cần ưu tiên những thông tin mang tính chất thông báo và kết nối cộng đồng mà tác động trực tiếp đến đời sống người dân. Ví dụ các hoạt động của cơ quan hành chính cấp phường, Lịch tiếp công dân, lịch trả lời đơn thư, lịch cắt điện, sửa đường hoặc là thời điểm dán công bố quy hoạch khu vực nào đó… Thứ hai là thông tin về việc kết nối cộng đồng. Hà Nội có khoảng 10.000 dân nên có rất nhiều thông tin mà chúng ta có thể bị bỏ lỡ, không để ý…

“Chúng ta tưởng rằng có thể kết nối dễ dàng hơn trên mạng xã hội mà đôi khi lại không biết hàng xóm xung quanh mình là ai. Đó là chúng ta bị mất kết nối. Vì thế vai trò của truyền thông cơ sở là tăng cường sự kết nối cộng đồng thông tin”, ông Tuyến nhấn mạnh.

“Thứ ba, trong một cộng đồng có nhiều người có nhu cầu chia sẻ những giá trị, lợi thế của mình đối với người yếu thế hơn. Ví dụ những người về hưu có một tủ sách sưu tầm rất lâu và bây giờ muốn mở một thư viện miễn phí để mọi người đến đọc. Thông qua hệ thống truyền thông cơ sở, nhiều người dân trong địa bàn có thể nắm được thông tin ấy”, ông Tuyến cho  hay.

“Tôi nghĩ rằng khoảng 10-15 phút cho một hệ thống thông tin cơ sở ở phường, xã không phải khó. Cũng không cần quá chuyên nghiệp mới có thể làm được. Trong một phường ở Hà Nội có rất nhiều người hưu trí còn sức khỏe và sẵn sàng cống hiến. Đó là một nguồn lực rất lớn và rất đáng quý. Nếu tận dụng được thì tôi nghĩ rằng đời sống văn hóa cơ sở sẽ tốt hơn rất nhiều”, ông Tuyến bày tỏ./.

Theo Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022 – 2025, phấn đấu đến năm 2025: 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư; 100% xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử của UBND cấp xã để phổ biến thông tin thiết yếu và tương tác với người dân; 100% phường, thị trấn và trên 70% xã có bảng tin điện tử công cộng để phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân.

Đối với cấp huyện, đến năm 2023, 100% trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao cấp huyện cơ bản có đủ trang thiết bị và nhân lực thực hiện hoạt động thông tin cơ sở và truyền thông cấp huyện theo chức năng, nhiệm vụ. Đến năm 2025, 100% quận, huyện, thị xã có bảng tin điện tử công cộng cỡ lớn (màn hình LED, màn hình LCD) được kết nối với hệ thống thông tin nguồn thành phố. Cấp thành phố, đến năm 2023, có hệ thống thông tin nguồn thành phố để quản lý tập trung và cung cấp thông tin thiết yếu cho hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn, bảo đảm kết nối với hệ thống thông tin nguồn trung ương do Bộ TT&TT thiết lập. Đến năm 2025, 100% sở, ngành thuộc thành phố và cấp huyện cung cấp thông tin thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý trên hệ thống thông tin nguồn thành phố./.