Chiều 11/3, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị các quận, huyện tổ chức rà soát chặt chẽ việc cách ly ở nơi cư trú, nơi ở.

 Ông Quý cho biết, theo thông tin phản ánh của người dân, vẫn còn có những trường hợp đang cách ly “chạy ra, chạy vào” chưa thực hiện quy định cách ly một cách nghiêm ngặt.

Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý đề nghị các quận, huyện quan tâm tổ chức cách ly vì đây là biện pháp hết sức quan trọng nên phải được quản lý chặt chẽ; Giao cho chính quyền phường, xã, thị trấn, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, trưởng bản nâng cao trách nhiệm giám sát để quản lý thật chặt các trường hợp thuộc diện cách ly.

chu_tich_tp_ltoo.jpg
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chủ trì họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19, chiều 11/3.

Liên quan đến việc giám sát cách ly tại nhà, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung ghi nhận và biểu dương cộng đồng dân Nam Đồng, quận Đống Đa đã kịp thời phản ánh trường hợp cách ly ở Nam Đồng. Người tiếp xúc trực tiếp (F1) với bệnh nhân số 21, trong quá trình giám sát cách ly tại nhà vẫn đi ra ngoài. Chủ tịch TP Hà Nội đề nghị mọi người dân tham gia giám sát cộng đồng chặt chẽ tất cả những người cách ly tại nhà để họ thực hiện cách ly nghiêm túc không ra ngoài. 

Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu cấp phường, xã, thị trấn phải nêu cao trách nhiệm thực thi công vụ; Giao Sở Nội Vụ kiểm tra công vụ với Chủ tịch phường Nam Đồng về trách nhiệm trong việc đôn đốc giám sát người cách ly tại cộng đồng.

Đánh giá nhiệm vụ phòng, chống dịch trong 2 ngày qua, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết: các quận, huyện đã phối hợp chặt chẽ với CDC, Công an TP... làm rõ 191 người tiếp xúc gần với 4 bệnh nhân mắc Covid-19 của Hà Nội. Làm rõ 589 trường hợp tiếp xúc của tiếp xúc. Về cơ bản tất cả những người tiếp xúc gần đã được lấy mẫu để xét nghiệm chưa phát hiện có trường hợp nào không rõ nguồn gốc xuất xứ nhiễm Covid-19.

Đến nay, trên chuyến bay VN0054 tổng số đã xác định 13/21 hành khách khoang C dương tính và 1 hành khách hạng phổ thông đi cùng hành khách hạng C du lịch cùng tại Quảng Ninh.

Chủ tịch TP cho biết dư luận và một số người dân nhắn tin nêu yêu cầu Thành phố có cần phun khử khuẩn toàn thành phố hay không. “Qua tham khảo nhiều ý kiến chuyên gia dịch tễ học, WHO, Bộ Y tế... về cơ bản trên địa bàn TP các cuộc tiếp xúc của nội bộ người trên địa bàn thì cũng không nên quá lo lắng, mà chỉ quan tâm những tiếp xúc từ người Việt Nam hay người nước ngoài đi từ các nước có vùng dịch về trong những ngày gần đây. Các trường hợp đi về từ 1 tháng thì cũng không nên quá lo lắng”, lãnh đạo TP nói.

Theo Chủ tịch TP Hà Nội, diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới ngày càng phức tạp, theo WHO đánh giá đang có nguy cơ ngày càng cao và đã trở thành đại dịch toàn cầu. Nguy cơ lây nhiễm tại Hà Nội có nhiều hướng hơn, hướng chính vẫn là từ sân bay Nội Bài mỗi ngày tiếp nhận 5.000-6.000 khách du lịch từ các nước, trong đó có cả các nước có vùng dịch.

Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trên địa bàn TP và đặc biệt sự đồng tình ủng hộ, sự tự giác cao của người dân trong những ngày vừa qua đã giúp làm rõ các trường hợp tiếp xúc với người nhiễm bệnh. “Có trường hợp người dân đã tự chủ động đến các cơ sở y tế để trao đổi thông tin, tự đi vào viện để cách ly. Đây là những tín hiệu tốt về sự tham gia của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh với sự tự giác của người dân thì chúng ta tin tưởng rằng dịch bệnh sẽ được đẩy lùi trên địa bàn TP”, ông Chung nhấn mạnh.

Trước diễn biễn tình hình dịch bệnh trên địa bàn hiện nay, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu: Nhiệm vụ quan trọng số 1 là tập trung công tác giám sát người nước ngoài, người Việt Nam nhập cảnh từ nước ngoài và đi từ các sân bay nội địa về Nội Bài để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh.

Lãnh đạo TP lưu ý mọi người dân phải thấy được nguy cơ từ người đến từ vùng dịch. Trong cộng đồng các gia đình có con em đi học ở các nước có vùng dịch, nhất  là từ châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản trở về qua các con đường khác nhau phải chủ động thông tin đến cơ sở y tế, chủ động cách ly với gia đình. Việc xét nghiệm các trường hợp F1 nếu âm tính mới chỉ là yếu tố ban đầu, phải chờ qua 14 ngày, thậm chí 20 ngày mới có thể yên tâm.

Chủ tịch TP Hà Nội yêu cầu, các trường hợp tiếp xúc F1, F2 phải lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ. Chi phí về xét nghiệm TP sẽ chỉ trả hết cho người dân, kể cả người nước ngoài không phải mất chi phí. Với các trường hợp F3 có dấu hiệu không bình thường đề nghị người dân thông tin để có biện pháp giám sát chặt chẽ. 

“Thành phố tạm thời thống nhất toàn bộ những người cách ly tại bệnh viện, trung tâm tập trung hay cách ly tại nhà đều được hỗ trợ 100.000 đồng/người/ngày”, ông Chung cho biết./.