Những bức tượng gia đình hổ mang gương mặt “hờn cả thế giới”, hay 5 chú hổ linh vật dị dạng được trang trí chào mừng Tết Nhâm Dần năm 2022 khiến cho mọi người không thể nhịn cười. Câu chuyện về những linh vật đã được nhắc đến nhiều, khi Tết đã cận kề nhu cầu làm đẹp không gian công cộng đang cao điểm. Đâu sẽ là thước đo cho những giá trị thẩm mỹ công cộng? Khi nào chúng ta mới có những tác phẩm linh vật đáng tự hào?
Tiểu cảnh gia đình hổ chào năm mới 2022 tại khu hành chính tỉnh Bạc Liêu khiến người người bật cười với biểu cảm vô cùng hài hước, khuôn mặt xéo sắc như đang “hờn dỗi” cả thế giới. Sau khi “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội với biểu cảm “khó ở”, gia đình Hổ đã được đơn vị thi công “make-up” lại. Dù đã được gắn thêm nanh, bổ sung vằn vện và tô đậm cặp mắt để trở nên oai vệ hơn. Nhưng sau khi được điểm nhãn, chúng lại thành ra mang những khuôn mặt đầy lo âu trước “năm tuổi” đang đến. Chưa kể, vẻ buồn man mác đó lại được nhân bản cho cả đàn càng gây hiệu ứng khó tả.
Nhưng rồi sự xuất hiện của đàn hổ tại quảng trường thành phố Phú Thọ đã làm lu mờ nhà hổ Bạc Liêu. Cụm 5 tượng hổ này có bộ dạng ốm nhom, chân vòng kiềng. Những chú hổ được vẽ trang trí với biểu cảm mặt vô cùng hài hước, thậm chí nhiều người nhận xét mang dáng vẻ “tiều tụy, nhu mì”, trái ngược hoàn toàn với sự dũng mãnh của chúa sơn lâm. Ngay khi xuất hiện trên mạng xã hội, đàn linh vật này đã nhận được nhiều ý kiến khen chê trái chiều.
"Lên Facebook em cũng thấy nhiều người share hình con hổ. Nhìn thì em cũng thấy buồn cười, ngộ nghĩnh. Hổ không ra hổ, mà chó không ra chó. Rồi chân, tay thì vẹo vọ, đại khái là hình thù rất kỳ dị. Thực ra việc đó xảy ra thường xuyên, năm nào hoặc ở địa phương nào làm tượng, hình thù để thu hút khách tham gia thì cũng kỳ dị như vậy. Đối với cá nhân tôi thì biểu tượng 1 năm là mang ý nghĩa thiêng liêng. Những hình thù kỳ dị, không giống nhân vật chính, điều đó làm mất đi ý nghĩa, thẩm mỹ, mỹ quan khi được trưng bày ở nơi công cộng. Hơn nữa còn làm mất đi ý nghĩa của con hổ", một người dân chia sẻ.
Không riêng tượng hổ năm 2022, mỗi dịp Tết, tạo hình linh vật của từng năm luôn là đề tài được nhiều người bán tán sôi nổi. Tết năm ngoái, đàn trâu ở Vĩnh Long được sơn phết màu vàng lóng lánh, nhưng điều khiến người ta phải chú ý chính là gương mặt với đôi mắt tròn xoe cùng biểu cảm hốt hoảng. Hay Tết Canh Tý 2020, những đàn chuột linh vật ngộ nghĩnh, ngáo ngơ lần lượt xuất hiện tại các khu trang trí tiểu cảnh, vui chơi xuân ở một số tỉnh thành phố. Trước đó, gia đình chó mừng năm mới Mậu Tuất 2018 ở Mỹ Tho được cho “không giống chó”, không mang tinh thần Tết vì quá buồn. Gây tiếng cười nhất phải kể đến tạo hình kỳ quặc của “chú rồng Pikachu” ở Hải Phòng tết 2017...
Vậy nhưng, đã bao năm chưa bao giờ công chúng được gặp các tác giả đã tạo những mẫu mã linh vật ai nhìn cũng phải cười mỗi dịp Tết đến. Gói thầu bị cho là thủ công này sẽ được giao cho một nhóm nghệ nhân vô danh nào đó. Nhất là khi các tác phẩm bị chê cười lại càng chẳng có tác giả nào đứng ra nhận. Ngay cả khi việc đó có thể đem lại quyền lợi...
Nhà sử học Dương Trung Quốc- Tổng Thư kí Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: "Lâu nay chúng ta bị quá trình xã hội hóa, từ một yếu tố tích cực, là đóng góp của các tầng lớp xã hội khác nhau mà chúng ta không có định hướng, hướng dẫn, không có sáng tạo nên cuối cùng nó tràn lan và hết sức tùy tiện. Thứ hai là lẽ ra phải có quy định. Vô lý là do chúng ta không có hướng dẫn, không có chuẩn mực".
Số tiền đầu tư cho việc trang trí không hề nhỏ, việc tạo hình, sửa chữa lại cũng mất khá nhiều thời gian và tốn kém. Trong khi những tiểu cảnh này dùng được vài ngày Tết là đã lỗi thời, phải vứt bỏ. Theo PGS TS Đinh Hồng Hải, Giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, chính vì tâm lý linh vật trang trí Tết chủ yếu là phong trào, thời vụ nên bản thân những người làm chỉ làm cho xong, mà không coi trọng yếu tố thẩm mỹ.
"Vì hầu hết các công trình mang tính chất phong trào, vậy thì chúng ta bỏ tính phong trào đi để kích thích vai trò của nghệ thuật công cộng bằng chính tư duy của nghệ sĩ, của những người làm sáng tạo thì sẽ có những sản phẩm sáng tạo. Chứ còn chúng ta đừng làm theo ý tưởng của các công ty, các tập đoàn, đương nhiên sẽ không có nghệ thuật, không có cá tính của nghệ sĩ. Và những người làm thì chỉ là thợ thủ công, công nhân thực hiện tác phẩm đấy thôi, mà không phải nghệ sĩ", PGS TS Đinh Hồng Hải chia sẻ.
Còn theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội, trang trí ở không gian công cộng để người dân vui chơi đón Tết là nhu cầu chính đáng của các tỉnh, thành phố. Thế nhưng, linh vật được trưng bày ở nơi công cộng thì nguyên tắc thẩm mỹ phải được đặt lên hàng đầu.
"Chúng ta phải nhận thức là những con vật này khi sáng tạo ra dành cho công chúng để đặt ở những nơi công cộng thì nó phải phù hợp với thẩm mỹ, quan niệm về cái đẹp chung của mọi người. Cần phải tham khảo ý kiến chuyên gia liên quan đến lĩnh vực đó. Từ đó chúng ta vừa đáp ứng được mong muốn của người dân, dịp Tết thì từng nhà đã có trang hoàng rồi, ở xã hội có sự trang hoàng chăm lo riêng. Nhưng đồng thời những trang hoàng đó lại vừa đẹp, vừa có ý nghĩa", PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay.
Trong các lễ hội tổng kết hay mừng Xuân mới ở các địa phương không khó để bắt gặp các ca sĩ chuyên nghiệp, ngôi sao nổi tiếng. Các giọng ca nghiệp dư khó “có cửa” bước lên các sân khấu này, nói gì tới người không biết hát. Ấy thế mà nhiều nơi vẫn để cho những người không chuyên tô điểm cho những khu trung tâm vào dịp năm mới. Trong khi nghệ sĩ tạo hình nổi tiếng hoặc được đào tạo bài bản ở ta không thiếu. Địa điểm công cộng là trung tâm đô thị - nó cần tính nhân văn và chất xám chứ không phải tiền. Đã đến lúc những sáng tạo ở nơi công cộng không thể tùy tiện, để người dân cười phát chán hết năm này qua năm khác./.