Tháng 7- mùa tri ân hằng năm, cũng như ở các nghĩa trang liệt sĩ khác trên cả nước, từng đoàn người từ khắp nơi đổ về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
Trong dòng người tới đây có những người vợ tới thăm chồng, các con tới viếng cha, nhiều phụ nữ tóc đã bạc thăm lại người yêu, những người cựu binh da đồi mồi trở về chiến trường xưa thăm đồng đội. Cảm động nhất là những bà mẹ già lưng đã còng, phải có người dìu chầm chậm bước lên những bậc thang để tới “nhà” con gái. Trong số đó, còn có rất nhiều đoàn, nhiều cá nhân đến đây như về chốn tâm linh. Ai cũng muốn tự tay thắp nén hương, nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ đã hy sinh vì nền hòa bình của đất nước.
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên những vạt đồi tại Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Những ngôi mộ liệt sĩ đầu tiên được quy tập tại đây từ cuối năm 1974. Nhưng đến cuối tháng 10/1975 nghĩa trang mới bắt đầu được xây dựng và hoàn thành vào tháng 4/1977. Đây là nơi quy tập hơn 10.236 hài cốt các liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại - còn đường gọi là đường mòn Hồ Chí Minh. Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn cũng là nơi tôn vinh những chiến sĩ đã hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước và trong những năm chiến tranh thống nhất đất nước.
Trong Nghĩa trang còn có Đại Hồng chung đặt tại tháp chuông do các tổ chức và cá nhân phát nguyện đúc và hiến cúng. Trên thân chuông có khắc lời đề từ của Giáo sư Anh hùng Lao động Vũ Khiêu:
Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ
Dạt dào Đông Hải khí anh linh
Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí
Muôn dặm non song nặng nghĩa tình.
Quả chuông khá to để mọi người khi đến viếng đều có thể thỉnh lên những tiếng chuông và gởi gắm tâm nguyện của mình, cầu nguyện cho hương hồn các chiến sĩ đã hy sinh... được siêu thoát và cầu nguyện đất nước hòa bình, nhân dân an lạc. Nguyên Chủ tịchnước Nguyễn Minh Triết trong lần đến đâydâng hương đền ơn đáp nghĩa tháng 7/2007 đãthỉnh 10 tiếng chuông. Thay mặt những người đang sống, ông đã gửi đến hương hồn các anh hùng liệt sĩ lòng biết ơn và sự thành kính.
Hơn 10.000 ngôi mộ liệt sĩ xếp lớp lớp thửng hàng, trải dài trên đồi núi mênh mông,.. |
Dẫu đã nghe nhiều về Nghĩa trang Trường Sơn nhưng đến đây mới thấy nơi này rộng lớn quá. Khi đứng trước hơn 10.000 ngôi mộ liệt sĩ nằm cạnh nhau, trải dài trên đồi núi mênh mông, càng cảm nhận rõ hơn sự hy sinh lớn lao của các anh, các chị để giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất cho giang sơn. Hơn 10.000 người con trai, con gái từ khắp các miền quê VN, sau chiến tranh lại tụ họp ở đây. Tới đây, ai cũng có ý thức giữ yên lặng khi đi lại, nói chuyện để không làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của các liệt sĩ. Trong lòng mỗi người trào dâng sự xúc động, nghẹn ngào. Đó không chỉ niềm thương tiếc, xót xa mà xen lẫn sự khâm phục, lòng biết ơn. Họ tuy sinh thành ở khắp 3 miền đất nước nhưng giữa họ có chung một hướng đi, một con đường ra trận – đó là đường Hồ Chí Minh.
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn xa xôi là vậy, nhưng hằng năm, cũng có hơn 70 ngàn lượt người người đến thăm viếng trong niềm biết ơn chân thành. Có những gia đình năm nào cũng vượt bao quãng đường xa, về đây, nhiều đoàn tổ chức tuyến du lịch tâm linh, vượt gần ngàn cây số đến với nghĩa trang chỉ mong thắp nén hương cho người thân, thành kính tri ân lên mộ các liệt sĩ. Và dòng người viếng thăm cứ thế nối dài bất tận.
Trời Quảng Trị những ngày này nắng nóng như đổ lửa. Cả khu nghĩa trang Trường Sơn một màu trắng: màu trắng của những ngôi mộ, của nắng, của khói hương nghi ngút. Thông thường, nếu không có việc gì thật cần thiết thì thời tiết này, chẳng mấy ai muốn thò mặt ra khỏi những chiếc ô tô máy lạnh. Thế nhưng, chỉ khi ô tô dừng ở chân đồi lên nghĩa trang, chẳng ai bảo ai, mọi người đều muốn ra khỏi xe thật nhanh để leo những bậc thang lên các khu mộ, rồi đầu trần đứng trang nghiêm trước Đài tưởng niệm. Ai cũng muốn nán lại lâu hơn để suy tư, bày tỏ tình cảm, sự tri ân với các tấm gương hy sinh của các anh hùng liệt sĩ.
Phần lớn những liệt sĩ đã ngã xuống khi mới bước vào tuổi mười tám, đôi mươi, nhiều người còn chưa có người yêu, chưa biết đến nụ hôn đầu. Họ là những anh bộ đội, những cô thanh niên xung phong tuổi đời đang phơi phới đã chia tay gia đình, người thân lên đường ra trận theo tiếng gọi của Tổ quốc một cách vô tư. Nhưng họ không quay trở về nhà mà yên nghỉ lại nơi này. Theo ông Hồ Tất Ái, Trưởng ban Quản lý nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, 80% các anh, các chị hy sinh ở lứa tuổi 18 -22.Tất cả các thành viên trong đoàn chúng tôi tới Quảng Trị lần này đều là người Hà Nội, đều lần đầu hành hương về Nghĩa trang Trường Sơn linh thiêng. Chị Nguyễn Hương, một thành viên trong đoàn thành kính dâng hương khá lâu trước đài tưởng niệm. Chị bảo, chị cũng đã có dịp đi thắp hương ở nghĩa trang liệt sĩ, nhưng tới Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn chị thấy rất xúc động. Tới đây mới thấy hết sự vĩ đại, thiêng liêng của cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Càng biết ơn hơn sự hy sinh to lớn của những người cho chiến thắng, cho cuộc sống hôm nay.
Một đoàn hành hương từ Hà Nội tới Nghĩa trang Trường Sơn đang trò chuyện với chị Nguyễn Thị Bé (áo bộ đội bìa phải), một nhân viên của Ban quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn |
Khu nghĩa trang dành cho những người con yêu dấu của thủ đô nằm lại đất thiêng Trường Sơn có hơn 469 ngôi mộ. Nơi để thắp hương tưởng niệm được xây cách điệu, phủ trên mái là lá cờ đỏ của Tổ quốc. Chúng tôi thắp hương cho các anh như những người thân trong gia đình, lòng rưng rưng. Cũng tại đây, chúng tôi tình cờ gặp chị Nguyễn Thị Bé, một nhân viên của Ban quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Chị đang cần mẫn quét dọn, chăm sóc những phần mộ. Chị cũng là một cựu binh quê ở Triệu Phong, cách đây hơn 5km. Năm 1975, mới 17 tuổi chị đã xin nhập ngũ, 20 tuổi ra quân. Trở về nhà tuổi còn trẻ cũng là lúc nghĩa trang được xây dựng. Khi tới đây, được nghe nhiều câu chuyện về các liệt sĩ, chị đã xin làm việc ở đây bởi một điều giản dị: “Tôi muốn chăm sóc các anh, các chị cho chu đáo để thân nhân các gia đình liệt sĩ an tâm gửi gắm người thân của mình trên đất Quảng Trị”. Chị bảo, các chiến sĩ linh thiêng lắm, thỉnh thoảng chị vẫn nghe tiếng các anh đánh đàn, hát hò dưới tán bồ đề. Miệng nói, tay chị chỉ cây bồ đề sum suê tỏa bóng mát sau tượng đài Tổ quốc ghi công.
Cây bồ đề thiêng tự mọc từ cách đây gần 40 năm, tỏa bóng mát sum xuê sau đài tưởng niệm. |
Những câu chuyện thuộc về thế giới tâm linh như chị Bé kể chúng tôi được nghe và đọc khá nhiều trước khi tới đây và cả khi đặt chân tới nơi này. Nào là các anh chị trong Ban quản lý nghĩa trang đã từng gặp các anh về thăm đồng đội, vẫn nghe thấy tiếng các anh cười đùa, nào là bộ đội hành quân qua đây gọi các anh, các chị dậy nấu cơm, tiếng các anh tập thể dục, tiếng bước chân hành quân, tiếng hô chào cờ, tiếng hô khẩu hiệu… Rồi chuyện về cây bồ đề thiêng tự mọc cách đây gần 40 năm luôn tỏa bóng mát, nào là mạch nước ngầm tự phun ở hồ phía trước…
Những chuyện tâm linh đầy tính nhân bản ở Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn đều khiến mọi người cảm nhận được rằng, các anh, các chị vẫn đang hiển hiện đâu đây, thật gần gũi, nhắc nhở chúng ta về những điều thiêng liêng mãi mãi tồn tại. Và đằng sau nhưng câu chuyện đó là niềm tin: Các liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng, đã nằm xuống, nhưng các anh không bao giờ chết. Các anh luôn sống mãi trong lòng đất mẹ, trong lòng nhân dân!/.