Thành cổ Quảng Trị nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, cách quốc lộ 1A 2km về phía Bắc, cách dòng sông Thạch Hãn 500m về phía đông.
Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” (Quốc sử quán Triều Nguyễn), toà thành Quảng Trị được xây dựng từ đầu thời vua Gia Long nhà Nguyễn, ở địa phận huyện Đăng Xương; năm thứ 8 dời đắp ở địa phận xã Thạch Hãn, huyện Hải Lăng. Năm Minh Mạng thứ 4, đắp bằng đất; đến năm Minh Mạng thứ 8 (năm 1827) thì được xây bằng gạch. Đây chính là toà thành còn lại những dấu tích cho đến ngày nay. Trong lịch sử thời phong kiến, thành Quảng Trị là là trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự của tỉnh Quảng Trị, là tiền đồn quân sự quan trọng bảo vệ kinh đô Phú Xuân - Huế từ phía Bắc.
Lịch sử hiện đại đã ghi dấu ấn ở Thành cổ Quảng Trị bằng một cuộc chiến khốc liệt, bi hùng; đó là cuộc chiến Thành cổ vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. 81 ngày đêm, với hàng trăm nghìn tấn đạn bom trút xuống, đã gần như san phẳng toà thành cổ cùng cả thị xã Quảng Trị. Hàng ngàn con người đã ngã xuống nơi đây vì Tổ quốc, cho sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước.
Thành cổ Quảng Trị là một ngôi nhà chung, một nấm mồ chung của những chiến sỹ giải phóng. Quảng Trị có hàng chục nghĩa trang, nhưng có hai nghĩa trang không bia mộ, đó là Thành cổ và dòng sông Thạch Hãn.
Mặc dù bị bom đạn cày xới, phá hủy, song Thành cổ Quảng Trị vẫn là một trong những số rất ít thành cổ Việt Nam còn giữ được cấu trúc thành lũy rõ ràng với hệ thống tường thành, cổng thành, hào nước. Trong Thành cổ bây giờ ngăn ngắt màu xanh của cỏ cùng hàng ngàn cây dừa. Thành cổ trở thành đất tâm linh, và dòng Thạch Hãn cũng là dòng sông tâm linh. Nơi đây là không gian thiêng liêng, là miền ký ức hào hùng và bi tráng của một thời hoa lửa./.
|
Thành cổ và thị xã Quảng Trị bên dòng sông Thạch Hãn, nhìn từ phía Tây Bắc (ảnh tư liệu) |
|
Góc thành cổ phía Nam với Tiền môn (cửa chính phía Nam) được phục dựng theo kiến trúc cũ |
|
Đài tưởng niệm trong thành cổ, nằm chính giữa thành, nhìn từ phía Nam |
|
Khu hành lễ ở đỉnh đài tưởng niệm với kiến trúc cổng mô phỏng mái đình truyền thống và cây “đèn thiên mệnh” thể hiện tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường. Ngọn đèn tỏa sáng là hào quang của cuộc chiến anh hùng |
|
Xung quanh bức tường khu hành lễ là những “tờ lịch” của 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972. Đây là ngày đầu tiên (28/6) của cuộc chiến |
|
Tưởng nhớ và tri ân những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì đất nước |
|
Bom đạn đã xóa đi tất cả. Trong thành cổ, tất cả bằng phẳng, mênh mông. Chỉ còn màu xanh đến nao lòng của cỏ, dưới đó là cả ngàn con người… |
|
Vòm cửa Bắc (cửa hậu), cửa thành duy nhất còn lại hình hài sau cuộc chiến |
|
Một đoạn tường thành đổ nát |
|
Bảo tàng Thành cổ được xây dựng ở trong thành, góc đông nam. Nơi đây lưu giữ những hình ảnh và hiện vật của cuộc chiến |
|
Những hình ảnh tái hiện cuộc chiến của các đơn vị quân giải phóng trong Bảo tàng Thành cổ |
|
Tái hiện cảnh chiến đấu và sinh hoạt trong cuộc chiến giữ thành cổ |
|
Một số vũ khí,di vật của liệt sỹ tìm được trong khu vực thành cổ |
|
Đài chứng tích “Sinh viên - chiến sỹ thành cổ Quảng Trị năm 1972”. Rất nhiều người lính thành cổ năm ấy đang là sinh viên các trường Đại học ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc |
|
Một góc cửa Tây, nhìn ra sông Thạch Hãn, bên ngoài cửa thành giờ đây có một tháp chuông, được hoàn thành năm 2007 trong dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng Quảng Trị |
|
Cụm kiến trúc Nhà tưởng niệm và bến thả hoa, bờ Nam sông Thạch Hãn (thực chất là bờ Đông theo phương địa lý. Gọi bờ Nam - Bắc để phân định ranh giới hai miền trong lịch sử) được hoàn thành năm 2009 |
|
Tấm bia đá khắc 4 câu thơ tri ân, tưởng niệm đồng đội của nhà thơ - chiến sỹ thành cổ Lê Bá Dương ở nhà tưởng niệm bờ Nam |
|
Ở bờ Bắc (bờ Tây theo phương địa lý), một kiến trúc tương tự được hoàn thành năm 2010 |
|
Thả hoa và hoa đăng trên dòng Thạch Hãn tưởng niệm những liệt sỹ thành cổ hy sinh đã trở thành một nghi lễ truyền thống ở mảnh đất này. |