Vài năm trở lại đây, tình trạng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long ( ĐBSCL) rất đáng lo ngại. Sạt lở không chỉ diễn ra trong mùa lũ, mùa mưa bão mà còn ngay trong mùa khô, trên những con sông chính và cả kênh rạch… Hiện tượng sạt lở liên tiếp trong thời gian qua ở khu vực này đã gây thiệt hại không nhỏ cho các địa phương; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân sinh sống ven sông rạch. 

sat_lo_1_xdts.jpg
Sạt lở gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại (Ảnh: Thành Tùng)

Hiện nay, ĐBSCL đang bước vào mùa mưa, thực trạng sạt lở lại diễn ra rất báo động đang tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế- xã hội của các địa phương trong vùng. Đây cũng chính là hệ lụy của vấn đề biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp đến vùng. 

Năm nay tuy mới bắt đầu mùa mưa nhưng tình trạng sạt lở ven sông đã liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương trong tỉnh Hậu Giang. Cách nay hơn 10 ngày tại ấp Thạnh Lợi A1, xã Tân Long huyện Phụng Hiệp đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng vào lúc 3 giờ sáng. Vụ sạt lở này đã làm phần sau của 3 căn nhà đổ sụp xuống sông, 26 căn nhà khác rạn nứt và có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào. Rất may, trước đó do thấy dấu hiệu rạn nứt nên các hộ dân đã kịp di dời một phần tài sản đến nơi khác và không ngủ ở đây vào ban đêm nên tránh được nhiều thiệt hại.

Ba căn nhà bị sụp xuống sông. (Ảnh: Thanh Tùng)

Ông Lê Văn Lương- một trong 3 hộ có nhà bị sụp lở xuống sông kể: “Cái nhà chiều dài khoảng 6 thước, ngang 5 thước, lún xuống hoàn toàn. Tôi thấy có hiện tượng như vậy nên không dám nghỉ ở đây. Nghe cô bác báo tin sập chạy lại thì thấy sập hoàn toàn".

Tại Hậu Giang, điều đáng lo ngại và báo động là có nhiều khoảng đất lớn, dù trước đó không có dấu hiệu rạn nứt  nhưng vào ban đêm lại đột ngột đổ ập xuống sông. Chỉ vào con đường giao thông chạy ngang trước cửa nhà vừa sạt lở cách nay hơn 1 tuần với chiều dài hơn 27 m, rộng gần 3 m, ông Nguyễn Văn Ràng ở ấp Đông Mỹ, thị trấn Ngã Sáu huyện Châu Thành kể: “Chiều bữa trước tôi xuống đây tắm không thấy răn đất gì hết nhưng tới sáng hôm sau thấy lở kiểu đó, thấy ớn lắm, không biết làm sao mà nó sụp như vậy đó”.

Tình trạng sạt lở ven sông, rạch trong thời gian gần đây ở tỉnh Tiền Giang và Bến Tre cũng ở mức báo động. Sông Tiền, sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông là các con sông lớn đi qua địa bàn tỉnh Tiền Giang, Bến Tre. Hiện nay, những dòng sông này không còn hiền hòa, thơ mộng như trước . Bởi hai bên bờ sông nay đã sạt lở loang lổ, nhiều “điểm nóng” đang có nguy cơ sạt lở tiếp diễn; sẵn sàng nuốt chửng đất, nhà ở, đe dọa cuộc sống của người dân.

Tại tỉnh Bến Tre hiện có hơn 20 điểm sạt lở lớn ở ven sông cần được khắc phục khẩn cấp. Ngoài ra có 5 cồn cũng bị sạt lở nghiêm trọng; trong đó các cồn Phú Đa, Tân Thiềng, Cồn Lác (huyện Chợ Lách), Tiên Long (huyện Châu Thành) . Các cồn này đã có hơn 300 hộ dân phải di dời đến nơi ở khác.

Tại tỉnh Tiền Giang hiện có hàng trăm điểm sạt lở lớn nhỏ. Ngoài kênh Chợ Gạo bị sạt lở toàn tuyến dài trên 20 km đang được nâng cấp thì trên địa bàn còn có 14 tuyến sông, kênh, rạch với hàng chục “điểm nóng” thường xảy ra hiện tượng xói lở với tốc độ, phạm vi mạnh và gây thiệt hại nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão –giảm nhẹ thiên tai tỉnh Tiền Giang cho biết: “Sạt lở ở tỉnh Tiền Giang mà cụ thể là ở các huyện phía Tây rất là nghiêm trọng. Hiện nay còn tác động đến khu vực ven sông Tiền. Hệ thống đê bao đã rà soát, củng cố nâng cấp đến nay đã xử lý hơn 70 điểm sạt lở rất cấp bách. Hàng năm tỉnh phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng, tuy nhiên đến giờ này sạt lở, vỡ đê, gây ngập lụt thì chưa xảy ra. Các địa phương hiện nay trên tinh thần cảnh giác rất cao”.

Thống kê trong toàn vùng cho thấy, hiện ĐBSCL có gần 400 điểm sạt lở, 150 khu vực bồi lắng trong giai đoạn từ đầu và cuối mùa lũ với chiều dài trên 450 km. Đồng thời hiện tượng sạt lở còn diễn ra vào mùa khô tại các sông, kênh rạch lớn. Trong khi đó, các địa phương như Cần Thơ, Hậu Giang và An Giang… hiện đang bị xói lở khá nặng nề, khiến các công trình giao thông, khu dân cư bị uy hiếp. Riêng ở Cần Thơ, từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6, trên địa bàn quận Cái Răng, liên tiếp xảy ra 3 vụ sạt lở tại các địa điểm: Khu vực 5 (phường Ba Láng), khu vực Phú Lợi (phường Tân Phú) và đường Võ Tánh (phường Lê Bình). 

Sạt lở ở Cần Thơ tháng 6/2015 (ảnh Phan Ánh).

Ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ nêu rõ: “Thời gian gần đây, sạt lở ở các địa bàn ven thành phố rất phức tạp. Trong những ngày tháng 6, đã có 5 điểm sạt lở trên địa bàn.. Với tình hình này, thành phố rất quan tâm và trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra tình hình sạt lở trên địa bàn”.

Điều thấy rất rõ là tình trạng sạt lở ở ĐBSCL đã gây mất an toàn cho đời sống con người. Sạt lở bờ sông đã gây thiệt hại rất lớn đến tài sản, nhà cửa, hoa màu; nhiều đoạn đê bao kết hợp với giao thông nông thôn bị trôi tuột xuống sông. Trong khi đó, nạn sạt lở được nhận định đang có dấu hiệu nghiêm trọng hơn thì các hoạt động do con người tác động đến tự nhiên cũng không ngừng gia tăng. Đây cũng là vấn đề mà chúng tôi sẽ phân tích trong phần sau của loạt bài này./.