Để đối phó với các bệnh dịch từ gia cầm và các mối đe dọa sức khỏe mới nổi khác, Việt Nam vừa phê duyệt dự án hai năm “Tăng cường năng lực tiếp cận thống nhất”, nhằm phối hợp tốt hơn và tăng cường đối thoại chính sách về các mối đe dọa sức khỏe.

Chính phủ Việt Nam mới đây đã thông qua dự án của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cùng Bộ Y tế phối hợp thực hiện, nhằm hỗ trợ năng lực, phối hợp và chia sẻ kiến thức để áp dụng cách tiếp cận thống nhất bảo vệ sức khỏe tại Việt Nam.

cum-gia-cam.jpg
Dịch cúm gia cầm đang bùng phát nhiều nơi tại nước ta (Ảnh: Lê Vũ)

Với kinh phí 800.000 USD do USAID tài trợ, UNDP tại Việt Nam sẽ hỗ trợ làm giảm các mối đe dọa y tế cộng đồng từ đại dịch cúm và cúm gia cầm (API), cùng các dịch bệnh truyền nhiễm mới khác (EIDs) với một cách tiếp cận thống nhất nhằm bảo vệ sức khỏe tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ dự án này, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam sẽ thúc đẩy các cơ chế điều phối quốc gia giữa các lĩnh vực sức khỏe con người và sức khỏe động vật được sửa đổi, thông qua các hoạt động tăng cường năng lực và kỹ năng cho Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế, cũng như các đối thoại kỹ thuật phù hợp với xu hướng quốc gia và thế giới.

Cách tiếp cận thống nhất nhằm bảo vệ sức khỏe được Chính phủ Việt Nam thông qua vào năm 2010, áp dụng một chính sách liên ngành và cách tiếp cận điều phối để đối phó với những đe dọa sức khỏe nghiêm trọng nảy sinh trong quá trình tương tác giữa con người-vật nuôi-môi trường.

Dự án cũng sẽ xây dựng một đề xuất cụ thể cho cơ chế điều phối Tiếp cận thống nhất nhằm bảo vệ sức khỏe với Chính phủ Việt Nam, và hỗ trợ soạn thảo lộ trình tiếp cận thông nhất. Các cơ quan trong lĩnh vực môi trường, con người và động vật của Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển, như Tổ chức Nông Lương (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ đều đóng góp vào cách tiếp cận thống nhất.

Thêm vào đó, dự án sẽ đặt 10 đề tài nghiên cứu với các tổ chức nghề nghiệp, các trường đại học, các viện nghiên cứu và các tổ chức xã hội dân sự, nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu quốc gia và kiến thức về dịch bệnh cúm gia cầm, các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi và cách tiếp cận thống nhất nhằm bảo vệ sức khỏe.

Việt Nam nằm trong khu vực có nguy cơ tương đối cao về các loại bệnh truyền nhiễm mới nổi, và gần đây virus cúm A/H7N9 được phát hiện trên người và động vật tại quốc gia láng giềng Trung Quốc cho thấy nguy cơ tiềm tàng nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế. Liên Hợp Quốc tại Việt Nam kêu gọi đẩy mạnh hợp tác và phối hợp giữa các ngành và các tổ chức, nhằm ứng phó với các dịch bệnh có tác động tới sức khỏe, an toàn và an ninh lương thực, sinh kế, phát triển kinh tế và thương mại./.