Sáng 26/9, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2014.

Tại hội thảo, các vấn đề được đưa ra lấy ý kiến như: kiểm soát ô nhiễm môi trường đất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ; cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản; hệ thống quản lý môi trường…

Nhiều ý kiến cho rằng, nên xem xét loại bỏ hoặc cắt giảm mức giá trị tiền ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu, bởi đây chính là gánh nặng và thiệt thòi về tài chính cho doanh nghiệp.

luat_bao_ve_moi_truogn_ahhn.jpgCác đại biểu tham dự hội thảo

Theo ông Trần Miên, nguyên trưởng ban Môi trường, Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam, khoản tiền ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường là một gánh nặng tài chính đối với doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Các doanh nghiệp phải lo 2 khoản tiền để thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường: một lần để ký quỹ, một lần để thực hiện đề án cải tạo. Trong khi đó, tiền hoàn trả với lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất vay tín dụng, tiền ký quỹ không được quay vòng để phục vụ sản xuất. Do vậy cần có các quy định hướng dẫn để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp về tài chính.

Ông Trần Miên nêu ý kiến: Vai trò quỹ môi trường kể cả quỹ môi trường Việt Nam và Quỹ môi trường các tỉnh, Quỹ môi trường theo quy định khi doanh nghiệp tiếp nhận khoản tiền ký quỹ nhưng không được lấy khoản tiền ấy đi đầu tư, cho vay hoặc tham gia sản xuất. Do đó, doanh nghiệp lấy đâu ra nguồn để trả cho phần lãi không kỳ hạn cho doanh nghiệp khi người ta rút vốn, đây là điều bất cập.

Đại điện cho ngành thép, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho biết, năm 2013, ngành thép sản xuất khoảng 5,5 triệu tấn thép thô và trong năm 2014 dự kiến là 6 triệu tấn. Hiện nay, để sản xuất thép thô, chúng ta sử dụng đến 90% nguyên liệu đầu vào là thép phế liệu. Như vậy, hàng năm, ngành thép nhập khẩu với khối lượng kim ngạch rất lớn. Với quy định doanh nghiệp phải ký quỹ bảo vệ môi trường với mức ký quỹ 50% sẽ là gánh nặng đối với ngành thép.

Ông Nguyễn Văn Sưa đề xuất Nhà nước nên hạ mức ký quỹ này ở mức tối thiểu, theo chúng tôi từ 1 đến 5% để giúp cho ngành thép đứng vững được trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, khi mà nước ta phát triển chưa mạnh./.