Trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể lần thứ 15 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, chiều 4/9, các đại biểu thảo luận về Dự án Pháp lệnh cảnh sát môi trường. Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn chủ trì phiên họp.
Lực lượng cảnh sát môi trường được thành lập từ năm 2006 và qua 7 năm hoạt động đã phát hiện, xử lý hơn 43.000 vụ vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường và an toàn thực phẩm; xử phạt vi phạm hành chính 413 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự hơn 1.000 vụ, 1.800 đối tượng, trong đó có những vụ vi phạm nghiêm trọng được Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên hiện nay, tổ chức và hoạt động của lực lượng cảnh sát môi trường chỉ được quy định bằng Nghị định của chính phủ và văn bản hướng dẫn của Bộ Công an, chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định đầy đủ, toàn diện.
Dự thảo Pháp lệnh Cảnh sát môi trường gồm 6 chương, 32 điều quy định nhiệm vụ, quyền hạn cũng như chế độ, chính sách đối với cảnh sát môi trường.
Tại phiên họp, đa số các ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành Pháp lệnh Cảnh sát môi trường như trong tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, đây là văn bản luật liên quan đến rất nhiều văn bản luật khác, do đó, nhiều ý kiến đề nghị ban soạn thảo cân nhắc đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phải xác định cụ thể rõ quyền hạn, chức năng để lực lượng cảnh sát môi trường hoạt động thực sự hiệu quả, chức năng nên tập trung vào chống tội phạm môi trường, tránh chồng chéo với chức năng quản lý nhà nước về môi trường.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn - Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nói: “Cần làm rõ thêm sự phối hợp với các bộ, ngành như: Bộ Tài nguyên Môi trường chịu trách nhiệm đến đâu? Khi nào mời cảnh sát môi trường vào làm việc với phạm vi…..”.
Ông Nguyễn Anh Sơn cũng cho rằng, về vấn đề an toàn thực phẩm, vai trò của cảnh sát môi trường chưa được quy định rõ./.