Hơn 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước chính thức bước vào Năm học mới 2014-2015. Một Năm học mới đã đến, với nhiều điều kỳ vọng về những thành tựu mới của nền giáo dục nước nhà. Trường học không chỉ là nơi cung cấp kiến thức, mà phải là môi trường mẫu mực nhất, nơi khẳng định những giá trị đích thực nhất của cuộc sống.

Dân tộc Việt Nam là dân tộc hiếu học, trọng chữ, kính thầy. Các gia đình dù nghèo khó đến đâu cũng cố gắng cho con đi học để biết "cái chữ". Bởi vì những chữ quý giá ấy sẽ là cánh cửa của tri thức, là chìa khóa để mỗi con người bước vào thế giới kiến thức rộng lớn của nhân loại. Những con chữ học được sẽ đưa mỗi người đến những chân trời mới lạ của sự hiểu biết, để rồi tự tìm hiểu và sáng tạo thêm những giá trị mới cho nhân loại.

Cha ông ta cũng có quan niệm khá mở về "sự học". Trước hết là học thầy: "Không thầy đố mày làm nên", rồi học bạn: "Học thầy không tày học bạn" và học ở trường đời: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Việc học cũng được xác định là không phải một ngày, một năm, hay một chục năm, mà là học tập suốt đời.

anh_6_kifl.jpg
Học sinh dự lễ khai giảng Năm học mới 2014-2015 

Sự học phong phú như vậy, có thể học ở mọi nơi, mọi lúc, nhưng trường học là nơi tốt nhất để mỗi người thu nạp kiến thức một cách có hệ thống, bài bản và toàn diện nhất. "Học đi đôi với hành", trường học không chỉ là nơi cung cấp những kiến thức chuyên môn cho học sinh, mà còn giúp người học phát huy tối đa năng lực bản thân và định hướng tốt cho tương lai.

Nhưng để "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", rất cần làm cho học sinh tự tìm thấy niềm vui trong học tập. Điều này đòi hòi cần có một chính sách giáo dục phù hợp, giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh học sinh; cần có bộ sách giáo khoa chuẩn mực; cần có những người thầy có kiến thức sâu rộng và tận tâm; cần coi trọng sự chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập và cần một môi trường học tập thật sự lành mạnh.

Dù "vận đổi, sao dời", dù có thể trong cuộc đời một số giá trị đang mai một, những chuẩn mực bị đảo lộn, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, ở trong trường học là nơi hội tụ "những tấm lòng cao cả". Trường học là nơi có nhiều nhất những người thầy, người cô tận tụy và trách nhiệm, hết lòng vì học sinh thân yêu. Họ là những người gieo mầm, vun xới và nâng niu những hạt  giống thiện trong tâm hồn mỗi con người. Người thầy chân chính sẽ dạy cho học trò biết yêu lẽ phải, ghét cái xấu, biết đùm bọc, chia sẻ với mọi người, biết nuôi dưỡng tình yêu và niềm tự hào về dân tộc mình, Tổ quốc mình.

Và điều quan trọng hơn cả, hãy để mỗi ngôi trường thực sự là ngôi nhà trong lành và ấm áp, ở đó không bao giờ tồn tại sự ganh ghét, giả dối mà chỉ có sự giúp đỡ, hướng thiện. Ở đó không có những lời nói suông, không vì “bệnh” thành tích; ở đó là kết quả đúng, là điểm số chính xác, là danh hiệu thật. Chỉ có như thế, những giá trị đích thực nhất của cuộc sống được khẳng định và tôn vinh ở trong mỗi trường học.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta: "Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Và Người luôn luôn kỳ vọng ở kết quả học tập và rèn luyện ở thế hệ trẻ: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các em". Sự kiên trì, bền bỉ, vượt khó khăn, sáng tạo của mỗi học sinh trong trường học sẽ là nền móng vững chắc để họ gặt hái những thành công lớn lao hơn trong cuộc đời.

Sinh ra ở đời, bất cứ ai trong chúng ta đều khao khát được sống hạnh phúc, đều trăn trở để tìm cho mình một lý tưởng sống. Trường học phải là nơi đầu tiên giúp mỗi người tìm ra cách sống phù hợp với những giá trị văn hóa dân tộc và có ích cho xã hội. Chỉ khi xuất phát từ những giá trị thật, trân trọng những giá trị đích thực, thì trường học mới là mảnh đất tốt để vun trồng nên những con người biết tự hoàn thiện mình, như lời của nhà bác học người Đức, Albert Einstein: "Không nên cố gắng trở thành người thành công, mà nên cố gắng trở thành một người có giá trị"./.