Tại Tọa đàm trao đổi với chủ đề: “Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tổ chức ngày 9/9, nhiều chuyên gia đã ghi nhận nỗ lực triển khai trong thực tiễn thời gian qua của hệ thống ngân hàng, đồng thời cũng đưa ra những khuyến nghị chính sách trong thời gian tới.
PGS-TS. Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu (XLNX) đã đạt được những kết quả tích cực. Thể hiện rõ nhất là lần đầu tiên kể từ năm 2005, Việt Nam được Moody’s nâng hạng tín nhiệm lên mức B1. Bên cạnh đó, mới đây NHNN được xếp thứ 2 về cải cách thủ tục hành chính. Một trong những nguyên nhân để đạt được những kết quả trên đó là tính minh bạch, tạo niềm tin cho nhà đầu tư quốc tế.
Đưa ra hàng loạt lý do về sự cần thiết trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, sự ra đời của Đề án tái cơ cấu các TCTD của Chính phủ là khá nhanh.
Còn TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, vài năm trước, tham vọng của chúng ta là cùng với tái cấu trúc NH thì vĩ mô phải ổn định. Hai năm gần đây, chúng ta lại mong muốn phục hồi kinh tế cùng với tiếp tục tái cơ cấu NH.
Trong khi chi phí cho điều chỉnh tái cơ cấu hệ thống NH là nhỏ nhất nhưng thị trường tài chính đã ít nhiều ổn định trở lại khi trước đó đang trên bờ vực phá sản. Đến nay, hệ thống NH đã ổn định bước đầu, tránh sự đổ vỡ hệ thống, mặc dù một số NH yếu kém, chênh vênh chưa hẳn đã hết. Song chúng ta cũng đạt được hai tham vọng là kinh tế vĩ mô ổn định và đạt được kết quả trong tái cơ cấu hệ thống NH.
Đồng quan điểm, PGS-TS. Nguyễn Hồng Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận thành quả của tái cơ cấu hệ thống NH thể hiện ở 3 điểm nổi bật: Thứ nhất, đảm bảo được tính thanh khoản hệ thống, không để xảy ra đổ vỡ, tạo sự ổn định trong ngành, từ đó tạo điều kiện để ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ hai, trong quá trình tái cơ cấu đã kiểm soát được các NH yếu kém.
Khả năng chi trả của các NH yếu kém đã được cải thiện đáng kể, tài sản của Nhà nước và quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm, vì vậy nguy cơ đổ vỡ hệ thống từng bước được giảm bớt. Thứ ba, thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu đã ra đời, tạo cơ sở cho việc đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu ở các giai đoạn sau của tái cơ cấu.
Nợ xấu không của riêng ngành ngân hàng
Từ ý kiến của các chuyên gia, học giả tại Tọa đàm, có thể thấy nếu vấn đề tái cơ cấu, sắp xếp lại hệ thống NH được các chuyên gia tương đối hài lòng về những chuyển biến về chất thì quá trình XLNX – một trong những nội dung của Đề án tái cơ cấu các TCTD - vẫn còn nhiều băn khoăn.
TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, nợ xấu tăng trở lại có nguyên nhân từ tái cơ cấu DNNN, trong đó tiến độ triển khai tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty Nhà nước còn chậm. Tái cơ cấu NH không thể tách rời với quá trình tái cơ cấu DNNN và đầu tư công để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. VAMC thành lập nhưng cơ chế chưa đủ mạnh để mua bán nợ xấu.
TS. Trần Du Lịch – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh đến những nỗ lực XLNX của NHNN trong thời gian qua, ngay cả khi chưa có VAMC. Trong đó, biện pháp chủ động XLNX của NHNN là cơ cấu lại nợ, trích lập dự phòng rủi ro… Hiện NHNN đã xử lý được một phần nợ xấu, nhưng nếu không có biện pháp tiếp theo thì rất khó xử lý được nhanh nợ xấu.
Theo TS. Trần Du Lịch thì nợ xấu không của riêng ngành NH mà liên quan tới nhiều bộ, ngành khác. Vì vậy, giải pháp được đưa ra đối với XLNX là phải sửa Luật Kinh doanh BĐS đang được Quốc hội thảo luận, đồng thời cũng phải sửa Luật Dân sự để khai thông bế tắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm trong quá trình XLNX. Tiếp theo là phải tăng năng lực cho VAMC vì vốn điều lệ của công ty này chỉ có 500 tỷ đồng thì rất khó giải quyết được hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu. Bên cạnh đó, vấn đề trình tự thủ tục trong việc phát triển thị trường mua bán nợ phải đẩy nhanh hơn.
PGS - TS. Nguyễn Hồng Sơn cho biết, XLNX sau khủng hoảng trước đây ở Thái Lan họ đã phải dùng tới nguồn lực tài chính là 30% GDP nhưng chúng ta thiếu nguồn lực tài chính. Về nhân lực, chúng ta cũng quá ít vì hiện nay chủ yếu là từ Cơ quan Thanh tra giám sát NH.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, có ý kiến cho rằng, sử dụng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu sẽ không công bằng, mà nếu có tạo dựng được thị trường mua bán nợ thì trong bối cảnh hiện nay cũng chưa xác định rõ được đối tượng khách hàng có tiền để mua. Nhưng nếu để NH và DN cùng gánh chịu nợ xấu thì có thể chấp nhận được. Vì vậy, chúng ta nên chọn giải pháp là mỗi bên liên quan phải chịu “mất mát” một ít để kích hoạt thị trường mua bán nợ. Đồng thời, chính sách phải cải thiện được môi trường kinh doanh để qua đó giải quyết bền vững được nợ xấu. Đặc biệt, cần cơ quan điều phối chung, có quyền lực để đưa vào quản trị NH, DN sau khi tái cơ cấu và XLNX./.