Lao động chưa qua đào tạo, hạn chế về ngoại ngữ, trình độ tay nghề, kỹ thuật… là một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động của người Việt Nam rơi vào mức thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương. 

Lao động Việt Nam có nguy cơ bị mất cơ hội việc làm ngay trên “sân nhà” khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ hình thành vào cuối năm nay và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực kể từ năm 2018.

Theo kết quả của các Trung tâm giao dịch việc làm được tổ chưc tại Hà Nội, đa số lao động phổ thông được tuyển vào những công việc giản đơn. Những nghề đòi hỏi kỹ năng liên quan đến kỹ thuật hoặc giỏi ngoại ngữ thì có rất ít lao động đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Trung Tuyến, cán bộ tuyển dụng Khách sạn Grand Plaza cho biết, hầu hết các ứng viên tốt nghiệp các trường nghề đều rất yếu về ngoại ngữ, kiến thức nặng về lý thuyết và rất ít thực hành. Hội nhập quốc tế đang đến rất gần, nếu lao động không đáp ứng được yêu cầu thì sẽ phải nhường cơ hội việc làm cho những lao động đến từ nước khác.

lao_dong_jscy.jpg
Doanh nghiệp khó tuyển dụng được những lao động có trình độ ngoại ngữ và kỹ năng mềm

Ông Nguyễn Trung Tuyến cho biết: “Đối với trình độ của họ được đào tạo trong nhà trường, chúng tôi tuyển về phải đào tạo lại ngay từ đầu. Khi tuyển vào, có những người có bằng đại học, thạc sĩ, nhưng khi thử việc và vào làm việc thực tế thì gần như không đạt được yêu cầu của doanh nghiệp. Các trường đào tạo, nhất là các trường nghề gần như chưa quan tâm đến chất lượng đào tạo, chưa chú trọng đến ngoại ngữ. Các sinh viên trường nghề, khi được hỏi về ngoại ngữ thì gần như bằng 0”.

Ngoài vấn đề giáo dục đào tạo, việc liên kết giữa các doanh nghiệp và các trường nghề gần như chưa có. Trong khi doanh nghiệp chưa tìm đến các trường nghề thì chính các trường nghề đang chạy đua, tìm mọi cách thu hút học sinh để được đạt được lợi ích trước mắt mà không đào tạo theo nhu cầu tuyển dụng. 

Ông Đỗ Minh Ánh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nấu ăn và Nghiệp vụ khách sạn Hà Nội cũng nhận thấy những bất cập của các trường nghề hiện nay nhưng ông cho rằng, cần phải có lộ trình, đòi hỏi thời gian trong khi hội nhập đã và đang đến rất gần.

“Thị trường bên ngoài gắn với nhu cầu đào tạo còn nhiều bất cập, các doanh nghiệp chỉ quan tâm rằng các em học sinh ra trường phải làm được việc ngay. Trong khi hầu hết các học sinh, sinh viên đều thiếu kỹ năng mềm, đặc biệt là vấn đề ngoại ngữ. Chúng tôi cũng đang xây dựng lộ trình và đang xây dựng chương trình làm sao để các em có thể có kỹ năng và có ngoại ngữ để đáp ứng được yêu cầu đó. Tất nhiên là còn khó và còn dài, còn phụ thuộc vào rất nhiều vào cơ chế, chính sách của Nhà nước nữa”.

Nguyên nhân chính khiến lao động Việt Nam bị thiếu hụt kỹ năng do chính sách phát triển nguồn nhân lực vẫn đặt trọng tâm vào cung hơn là cầu. Chương trình đào tạo thiếu sự phù hợp, cung cấp cho người học cái nhà trường có chứ không phải cái thị trường cần; hệ thống đào tạo thiếu sự đa dạng cần thiết.

Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến phân tích: “Về tính sáng tạo, công nghệ thông tin, tinh thần lãnh đạo, giải quyết vấn đề, ngay cả các doanh nghiệp Việt Nam cũng không nhận thức đầy đủ về sự thiếu hụt kỹ năng trong các lao động của mình. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất chậm chạp trong việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, chủ yếu hoạt động ở đáy của chuỗi giá trị. Ở Việt Nam có đông đảo lao động thực hiện các công việc đơn giản như làm ruộng hoặc đứng dây chuyền sản xuất nhưng lại thiếu lao động có kỹ năng trong rất nhiều lĩnh vực đòi hỏi đào tạo nghề hoặc trình độ đại học”.

Năng suất lao động của người Việt Nam ở mức thấp đáng báo động là một thực tế đáng buồn. Dù năng suất lao động đã cải thiện trong thời gian qua nhưng tốc độ chưa đủ nhanh để bù đắp lại khoảng cách với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn trong khối ASEAN. Vậy làm thế nào để cải thiện kỹ năng, nâng cao trình độ ngoại ngữ và tay nghề cho người lao động? Phóng viên VOV sẽ phân tích trong bài  thứ 2 có tiêu đề “Giải pháp nâng cao kỹ năng cho lao động Việt Nam”./.