Trong bối cảnh hội nhập, nhất là khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào cuối năm nay, Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có hiệu lực từ 2018, đem lại cho Việt Nam những cơ hội lớn để phát triển và đạt tới sự thịnh vượng, cũng như cơ hội chuyển dịch sang một nền kinh tế có năng suất cao dựa trên kỹ năng và sự đổi mới.
Làm thế nào để biến những thách thức đó trở thành cơ hội, mang lại cho người lao động Việt Nam cơ hội làm việc với thu nhập cao? Chúng ta hãy cũng các chuyên gia phân tích giải pháp cải thiện kỹ năng, nâng cao năng suất lao động của Việt Nam.
Hiện thị trường lao động Việt Nam đang được các nhà đầu tư, tuyển dụng đánh giá cao khi dân số Việt Nam đang ở thế “cơ cấu dân số vàng” (tức người trong độ tuổi lao động nhiều gấp đôi người ngoài độ tuổi lao động). Khi TPP có hiệu lực, việc tự do hóa thương mại và đầu tư cũng dẫn đến tăng nhu cầu lao động, mức linh hoạt của thị trường lao động sẽ tăng lên và từ đó dẫn đến việc nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực lao động.
Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, kinh tế phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng thì phát triển thị trường lao động được coi là một yêu cầu bức thiết. Chất lượng giáo dục và đào tạo được coi là chìa khóa để phát triển nguồn nhân lực. Yêu cầu cấp thiết hiện nay của Việt Nam là cải cách, tăng đầu tư phát triển giáo dục đại học và đào tạo nghề, đồng thời gắn kết giữa đào tạo của nhà trường với nhu cầu của thị trường… Điểm yếu của lao động Việt Nam là thiếu kỹ năng mềm như cách làm việc nhóm, giao tiếp, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng tuân thủ quy trình lao động...
Người lao động cần nỗ lực học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn |
Để phù hợp với hoàn cảnh hội nhập, người lao động cần ý thức phải luôn luôn học hỏi, cập nhật kỹ năng mới duy trì được việc làm bền vững:“Phải đặt trọng tâm vào cầu, thứ hai phải nâng cao chất lượng giải trình của cơ sở. Tái cơ cấu tài chính công theo hướng nâng cao hiệu quả và công bằng, đổi mới chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra và tái cơ cấu hệ thống theo hướng nâng cao tính đa dạng. Bài toán thiếu hụt kỹ năng của Việt Nam sẽ còn nằm đó đến khi nào bài toán kỹ năng trong thực hiện của các cấp có trách nhiệm chưa tìm được lời giải thỏa đáng”- Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, hàng năm, 20% ngân sách được chi cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, người có trình độ đại học thất nghiệp nhiều do những kiến thức học được trong nhà trường không phù hợp với nhu cầu của thị trường. Bản thân từng cơ sở đào tạo cũng khó có khả năng nắm bắt được nhu cầu của thị trường.
Hiện nay, số học sinh, sinh viên thi vào các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp gấp 3 lần số lượng vào học các trường nghề trình độ trung cấp và cao đẳng. Nguồn nhân lực không đáp ứng được nhu cầu thì khó có thể là điểm đến hấp dẫn.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết: “Giải quyết vấn đề trên có trách nhiệm của nhiều ngành nhưng trước hết Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có trách nhiệm ngồi lại với nhau, có bàn tay của Chính phủ điều tiết. Hiện nay, tôi đồng ý là giáo dục và đào tạo có đóng góp cho kinh tế, xã hội nhưng tôi không biết nó có làm chậm lại sự phát triển kinh tế xã hội hay không khi hàng năm khoảng 20% ngân sách chi tiêu cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo”.
Nếu so sánh thành tựu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, có thể nói rằng năng suất là điểm tối trong bức tranh về phát triển kinh tế xã hội.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, nếu người lao động không có nỗ lực thì những giải pháp về đầu tư trang thiết bị hiện đại hay tăng cường đào tạo cũng không phát huy hết hiệu quả như mong muốn. Do vậy, Nhà nước và doanh nghiệp đều phải tạo được môi trường thúc đẩy người lao động chủ động và nỗ lực thì mới có thể khai thác được lợi thế của Việt Nam trong việc nâng cao năng suất cũng như thúc đẩy kinh tế tại thời điểm hiện nay cũng như trong giai đoạn sắp tới.
“Để cải thiện năng suất lao động thì đòi hỏi trách nhiệm của nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Tôi thấy rằng, cải thiện môi trường kinh doanh và điều quan trọng nữa là thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh buộc doanh nghiệp phải tập trung vào nâng cao năng suất để nâng cao năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp phải có khả năng quản lý, công nghệ, thiết bị và thúc đẩy hoạt động cải tiến năng suất trong lao động. Cần xác định nút thắt ở đâu để có những giải pháp phù hợp. Người lao động cần chủ động sắp xếp công việc và học hỏi sao cho hiệu quả” - ông Trần Anh Tuấn.
Trước ngưỡng cửa hội nhập, muốn phát triển và nâng cao sức cạnh tranh của thị trường lao động trong nước, Việt Nam cần phải có những đánh giá xác thực về chất lượng nguồn nhân lực. Từ đó tìm ra giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng lao động, cải thiện các điều kiện lao động trong nước để đáp ứng các yêu cầu theo cam kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Song song với đó, cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo đội ngũ lao động chuyên môn có tay nghề cao, thực hiện tái cấu trúc lại một số ngành theo hướng hiện đại bằng cách ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất lao động, từng bước vươn lên thế chủ động trong lĩnh vực lao động - việc làm trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước./.