Theo đó, tháng 2 được đánh giá là tháng khô kiệt nhất, sau mỗi đợt rét đậm rét hại lại xuất hiện nắng hanh. Đặc biệt, tháng 2 năm nay lại đúng dịp Tết Nguyên đán, thêm ảnh hưởng của Covid-19, cuộc sống nhiều người dân khó khăn nên xu hướng vào rừng tìm kiếm nguồn lợi từ tự nhiên gia tăng. Mùa Xuân cũng là mùa phát nương, làm rẫy, trồng rừng, nếu bất cẩn trong sử dụng lửa đều trở thành nguy cơ gây cháy rừng rất lớn, gây áp lực lên các chủ rừng và ngành chức năng.
Theo ông Nguyễn Xuân Sâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai, ngay từ đầu mùa khô, ngành đã chủ động tham mưu cho Sở Nông nghiệp và UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; mở đợt cao điểm bảo vệ rừng dịp Tết Nguyên đán.
Lào Cai đã kiện toàn gần 180 Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ rừng các cấp, với trên 4.000 thành viên. Xây dựng quy chế phối hợp mật thiết với 3 tỉnh lân cận gồm Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái trong bảo vệ rừng. Ngay trước Tết, nhiều đoàn chức năng của tỉnh cũng đi thực tế, đánh giá tình hình, kiểm tra công tác chuẩn bị phòng cháy, chữa cháy rừng tại cơ sở.
“Ngoài kiểm tra thường kì còn có các cuộc kiểm tra đột xuất. Khi thời tiết khô hanh, dự báo thời tiết khô hanh cấp 4, cấp 5 thì, Chi cục sẽ tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh cử các thành viên tới kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các địa bàn trọng điểm nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các địa phương, các đơn vị chủ rừng. Qua đó, các đơn vị làm tốt công tác phòng cháy, phát hiện sớm đám cháy, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, sẵn sàng ứng cứu, giảm thiểu thiệt hại nếu có cháy rừng xảy ra”, ông Sâm cho biết.
Hiện, toàn tỉnh Lào Cai có trên 350.000 ha rừng, chủ yếu nằm ở độ cao từ 300 – 1.500m. Trong đó, diện tích có nguy cơ cháy rừng cao vào khoảng 130.000 ha, tập trung nhiều nhất ở Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn, là những nơi mới chịu thiệt hại nặng bởi rét đậm, rét hại, băng giá, mưa tuyết trong mùa đông vừa qua gây ra.
Đây cũng là những địa bàn cần đẩy mạnh tối đa nhân lực, vật lực, phòng ngừa tình huống xấu xảy ra, không chỉ cháy rừng mà cả nguy cơ xâm lấn diện tích, xâm hại lâm sản./.