Phải khẳng định rằng, trong thời gian vừa qua báo chí có vai trò rất lớn trong việc kêu gọi cộng đồng chung tay san sẻ với các hoàn cảnh khó khăn. Nhờ thế, bao em bé có thêm cơ hội được chữa bệnh, được đến trường, bao gia đình nghèo khó được tiếp thêm sức mạnh để vươn lên trong cuộc sống…
Nhưng gần đây, không hiểu vì mục đích gì hay đơn giản là chỉ hiểu chưa đúng về nghĩa cử cao đẹp này, một số tờ báo đã làm “méo mó” đi hình ảnh cao cả của hoạt động từ thiện, đôi khi lại làm cho hoạt động này trở nên phản tác dụng.
Ngay trong sáng nay (1/7), nhiều người đã phải giật mình khi đọc bài viết nhan đề “Những tháng ngày buồn của cô bé 8 tuổi sắp lìa xa cõi đời” trên một trang báo mạng. Nhìn hình ảnh cháu đang ngồi nắn nót từng dòng chữ để mong ngày được trở lại trường, nhìn những điểm 10 đỏ chót trên trang vở học trò… mới thấy rằng cháu bé hy vọng như thế nào ngày được cắp sách trở lại.
Khi viết bài báo này, chắc tác giả và bản báo đó đều hướng tới một suy nghĩ tốt đẹp là kêu gọi cộng đồng giúp đỡ cháu bé 8 tuổi bị ung thư giai đoạn cuối. Nhưng có lẽ do “sơ ý” nên tác giả đã không để ý đến việc cháu bé đang được gia đình giấu bệnh, mong kéo dài sự sống cho cháu. Có lẽ, cũng trong ngày hôm nay thôi, qua bài báo này, cháu bé sẽ biết được bệnh tình của mình và dù rằng là người có nghị lực như thế nào, cháu cũng sẽ suy sụp vì biết mình sắp chết.
Với một người bệnh nặng như vậy, liệu cháu có đủ sức để vượt qua khi mà những người bệnh như cháu chủ yếu là “sống bằng tinh thần”. Và khi ấy, việc giúp đỡ cháu chữa bệnh liệu có còn ý nghĩa?
Bỗng tôi lại nhớ tới lời dặn dò của một nhà báo lão thành: “Khi viết một tác phẩm báo chí cần đặt cái tâm của người làm báo lên đầu. Nếu không thì hậu quả sẽ khôn lường”. Quả là, việc làm từ thiện đôi khi cũng phải biết cách, để sau mỗi hoạt động từ thiện, tình cảm ấm áp còn đọng mãi./.