Đầu tháng 11, chị Hoàng Minh Ánh (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) đang tất bật chuẩn bị mở xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ tại nhà.

Chị Ánh cho biết, cơ sở của chị cần thuê khoảng 10 nhân công làm việc liên tục, ổn định và phải đăng ký hộ kinh doanh. Thay vì phải đến tận trụ sở UBND xã, huyện để làm thủ tục như trước đây, chị Ánh vừa ở nhà chuẩn bị mở xưởng vẫn có thể hoàn thiện các thủ tục đăng ký qua ứng dụng Zalo trên điện thoại di động.

zalo_2_hfeg.jpg
Tây Ninh là tỉnh đầu tiên trên cả nước giải quyết thủ tục hành chính trên Zalo. 

“Đây là lần đầu tôi sử dụng ứng dụng này, có chút bỡ ngỡ, nhưng giao diện đơn giản, rất thuận lợi. Chỉ cần gửi ảnh chụp các giấy tờ như chứng minh thư nhân dân, giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh cùng địa chỉ cư trú… sau đó nhấn vào “gửi hồ sơ” để hoàn tất thủ tục. Khi thủ tục đã được giải quyết, sẽ có tin nhắn báo để mang giấy tờ gốc đến đối chiếu và lấy kết quả hồ sơ”.

Chị Hoàng Minh Ánh cho biết thêm, đây cũng là lần thứ 2 chị mở cơ sở kinh doanh. So với thời điểm cách đây 5 năm, khi đăng ký mở xưởng cơ khí, chị phải chạy vạy mất gần nửa tháng để hoàn thành thủ tục hành chính, thậm chí phải “đi cửa sau’ để mọi việc được nhanh gọn, thì nay, việc đăng ký kinh doanh của chị đã thuận tiện hơn nhiều. Chị Ánh chỉ cần đến UBND xã 1 lần duy nhất để nhận kết quả.

Anh Nguyễn Quốc Việt, nhân viên phòng hành chính tổng hợp một công ty chuyên xuất khẩu nông sản đóng trên địa bàn tỉnh thú thực, dù đã làm quen, nhưng anh vẫn rất “ngại” khi phải đến các cơ quan nhà nước để giải quyết các thủ tục hành chính. Mỗi lần thiếu giấy tờ, cần bổ sung, lại là một lần phải chạy qua chạy lại, tốn công sức, thời gian.

Anh Việt cho rằng trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, khi phần lớn mọi người đều sử dụng các thiết bị di động, việc giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở đó là cách làm thông minh, tạo thuận tiện, hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp, loại bỏ những phiền hà, quan liêu như những cách làm cũ.

Là tỉnh đầu tiên trong cả nước áp dụng dịch vụ làm thủ tục hành chính trực tuyến trên Zalo, không chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, mà còn giúp rút ngắn khoảng cách địa lý với đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa trung tâm.

Trung tâm Hành chính công tỉnh Tây Ninh trong giờ làm việc.

Nằm cách trung tâm thành phố hơn 40km, việc người dân xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên lên trung tâm tỉnh Tây Ninh giải quyết các thủ tục khi cần thiết mất nhiều thời gian, công sức. Nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và mạng xã hội Zalo nói riêng phần nào đã giúp rút ngắn lại khoảng cách địa lý cho người dân nơi đây.

Ông Huỳnh Văn Lễ, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp tỏ ra phấn khởi khi giờ đây các thủ tục hành chính được giải quyết đơn giản hơn nhiều. “Ngay sau khi tỉnh triển khai mô hình này, xã Tân Biên đã nhanh chóng tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách làm mới để tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Đây là cách làm mới, sáng tạo, giảm áp lực cho cả chính quyền địa phương, tránh ùn tắc hồ sơ, bên cạnh đó tạo sự thuận tiện cho người dân rất nhiều”.

Theo ông Lễ, hiện nay tỷ lệ sử dụng smartphone và Zalo trên địa bàn xã rất cao, ngay cả khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số, do đó cách làm này hứa hẹn sẽ rất khả quan, đem lại hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Tấn Đức, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh đang nỗ lực đưa công nghệ thông tin, cùng các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) vào cải cách thủ tục hành chính, nhằm tăng tính chính xác, thuận tiện, phục vụ tốt hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời loại bỏ điều kiện để cơ chế xin cho, sự phiền hà tồn tại trong các khâu giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

“Hiện nay việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động là điều cần thiết. Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh các tỉnh phần mềm, các hệ thống thông tin để sử dụng nhằm đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền điện tử. Trong lần đưa ứng dụng Zalo vào giải quyết thủ tục hành chính, chúng tôi đã liên thông toàn bộ dữ liệu từ cấp xã phường, thị trấn đến cấp tỉnh, tạo sự đồng bộ dữ liệu.

Như vậy, nếu trước kia, muốn làm thủ tục hành chính, người dân phải đến từng sở, ngành, có những địa phương điều kiện đi lại rất khó khăn, giờ đây mọi thủ tục đều được giải quyết tập trung qua điện thoại di động, tạo sự thuận lợi, tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân.

Với phương châm chính quyền phục vụ nhân dân, chúng tôi hy vọng rằng ứng dụng trung tâm hành chính công trên Zalo sẽ tạo thuận lợi cho người dân, nâng cao hiệu quả phục vụ của chính quyền, từ đó thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, xã hội”, ông Huỳnh Tấn Đức cho biết.

Ngoài tỉnh Tây Ninh, hiện nay, trên cả nước có khoảng 30 tỉnh thành đang tích cực đưa ứng dụng Zalo vào quá trình giải quyết thủ tục hành chính và đã chứng tỏ được hiệu quả thiết thực, phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng 4.0./.