Đại dịch Covid-19 bùng phát, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Hà Nội vất vả hơn khi 10 tháng đầu năm đã giải quyết gần 69.000 hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 20% so với năm 2019. Ngoài vấn đề trước mắt là giúp người lao động sớm nhận một khoản tiền từ bảo hiểm thất nghiệp để trang trải cuộc sống, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội còn đẩy mạnh việc tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí và hỗ trợ đào tạo nghề bằng nhiều hình thức như mở lớp học online, qua các phiên chợ việc làm...
Bà Vũ Thị Thanh Liễu, PGD Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, nhiều ngành nghề mới, “hot” cũng được đưa vào đào tạo: “Người lao động tham gia học nghề nấu ăn hay pha chế đồ uống thì họ rất nhanh tìm kiếm được việc làm ngay cả khi họ chưa học xong 3 tháng sơ cấp nghề. Họ có thể pha chế đồ uống, bán hàng online, mở quán ăn sáng... tự khởi nghiệp và rất nhanh chóng họ hòa nhập thị trường lao động”.
Rõ ràng, bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy tính ưu việt với độ bao phủ rộng, đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát. Tính đến 30/5/2020, Quỹ BHTN đã chi trực tiếp hơn 4.000 tỷ đồng cho người lao động và dự kiến hết năm 2020 có thể sẽ lên tới hơn chục nghìn tỷ đồng. Tuy vậy, số người được hỗ trợ học nghề mới để quay lại thị trường lao động trong 11 năm qua mới có khoảng 230.000 người.
Ông Phạm Ngọc Khánh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh cho rằng, cần có những điều chỉnh về cơ chế, chính sách để tháo gỡ những điểm nghẽn trong thực hiện chính sách hiện nay.
“Hiện nay, theo QĐ 77 thì 1 lao động được hỗ trợ 6 tháng học nghề và mỗi tháng không quá 1 triệu đồng. Ở mức này, người lao động chỉ tham gia học các lớp sơ cấp thì việc tái thất nghiệp rất cao. Chúng ta có 1 phần kinh phí để các doanh nghiệp đào tạo hay đào tạo lại để nâng cao tay nghề khi doanh nghiệp thay đổi quy mô, dây chuyền và các điều kiện sản xuất khác, tuy nhiên, chưa doanh nghiệp nào được tiếp cận nguồn kinh phí này trong suốt thời gian qua”, ông Phạm Ngọc Khánh nói.
Việc hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm, cơ sở dạy nghề hay các doanh nghiệp đều không nằm ngoài mục đích trau dồi thêm kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao tay nghề cho người lao động để duy trì vị trí việc làm, tránh thất nghiệp.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến năm 2019, quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư 84.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lực lớn để BHTN phát huy vai trò là công cụ quản trị, điều tiết thị trường lao động đặc biệt là phòng ngừa những nguy cơ rủi ro như giai đoạn hiện nay.
Theo ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang, về lâu dài, BHTN cần mở rộng diện bao phủ hỗ trợ người lao động trong khu vực phi chính thức, lao động tự do.
“Dịch Covid-19 bùng phát, đã có hàng chục nghìn người lao động tự do mất việc làm thì nhà nước cũng phải có chính sách hỗ trợ. Bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp hoặc cho các cơ sở đào tạo nghề để đào tạo cho lao động tự do. Đây cũng là một cách để thúc đẩy đào tạo nghề cần tính tới”, ông Nguyễn Văn Huế cho hay.
Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng BHTN - Cục việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Trong thẩm quyền của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chỉnh sửa, bổ sung trong thông tư 28 để tạo điều kiện cho người lao động thụ hưởng chính sách. Như tại NĐ 61 đã bổ sung các điểm mới như hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề duy trì học nghề; mở rộng các đối tượng được hưởng chế độ thất nghiệp của tỉnh này sẽ được học nghề của tỉnh khác. Những bất cập trong quá trình thực hiện sẽ được chúng tôi làm rõ, thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện”.
Để chính sách BHTN thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động, ngoài nghiên cứu, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, cũng cần đánh giá lại về năng lực và hiệu quả hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm. Đây là cầu nối thiết thực giữa doanh nghiệp và người lao động và là công cụ hữu hiệu để thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin thị trường lao động, khai thác vị trí việc làm trống, qua đó đẩy mạnh việc tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người lao động.
Bà Đặng Thái Quyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hưng Yên chia sẻ: “Các Trung tâm Dịch vụ việc làm đã thực hiện chính sách BHTN đến nay đã hơn 10 năm nhưng chưa được bổ sung thêm trong khi lao động thất nghiệp tăng lên rất nhiều. Hưng Yên có 20 cán bộ thực hiện chính sách BHTN cho khoảng 11.000- 13.000 lao động thất nghiệp mỗi năm. Ngoài làm hồ sơ còn có giới thiệu, tư vấn, đào tạo nghề... Như vậy, khối lượng công việc thì lớn nhưng số lượng cán bộ là quá mỏng”.
Sửa đổi, bổ sung, làm mới chính sách BHTN sau hơn 11 năm thực hiện là yêu cầu cấp thiết với thực tiễn hiện nay. Việc nhìn nhận những yếu điểm của người lao động cùng những bất cập trong chính sách thực hiện sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước có kiến tạo hiệu quả, phát huy được vai trò điều tiết thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội và đạt được ý nghĩa nhân văn, sớm đưa người lao động trở lại thị trường sau thất nghiệp./.