Ngay sau khi cứu nạn thành công, lực lượng chức năng đã tiến hành bảo vệ hiện trường để tổ chức khám nghiệm hiện trường. Tuổi Trẻ dẫn lời Thiếu tướng Bùi Văn Sơn - Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết: Gần đây, tỉnh Lâm Đồng thực hiện nhiều dự án thủy điện, các cơ quan chức năng đã có nhiều hình thức nhắc nhở, kiểm tra, đôn đốc để phòng ngừa các sự cố. Đây là trường hợp không thực hiện theo quy trình.

Thiếu tướng Bùi Văn Sơn nói: “Chúng tôi sẽ xác định xem các giấy phép có đủ không? Thiết kế đã được duyệt chưa? Có thực hiện theo đúng thiết kế và tính toán đến an toàn cho người lao động hay chưa? Để từ đó phân tích việc ảnh hưởng đến chất lượng công trình, trên cơ sở đó xác định nguyên nhân dẫn đến sự cố nghiêm trọng này”.       

hinh_3_copy_pijk_oqhp.jpgHình ảnh lực lượng cứu hộ tham gia giải cứu các nạn nhân (Ảnh: Quang Sáng)

Ông Lê Quang Huy - Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng thông tin đã tiến hành kiểm tra về tình hình an toàn lao động tại thủy điện Đạ Dâng hai lần. Lần gần đây nhất là vào đầu năm 2013. Kết quả kiểm tra cho thấy nhà thầu chưa thực hiện việc đo lường các yếu tố có hại trong hầm (không khí, độ ồn, độ ẩm, hơi khí độc…).

Nghiêm trọng nhất, ông Lê Quang Huy nhấn mạnh: “Chưa thực hiện công tác huấn luyện an toàn lao động theo quy định. Dù có làm nhưng còn sơ sài, chưa đúng theo quy định”.            

Ông Huy cho biết đoàn kiểm tra đã xử phạt theo quy định và đơn vị chấp hành. Sau đó đơn vị thi công ngừng trệ một thời gian. Vào thời điểm kiểm tra, ông Huy cho biết độ khoan chưa sâu, chưa thấy các dấu tích nguy hiểm.

“Sau mùa mưa, địa chất tích tụ lại. Đầu mùa khô, hậu quả của những cơn mưa kéo dài là đất mềm và nguy cơ sạt lở cao. Nếu các giải pháp không đảm bảo thì nguy cơ xảy ra tai nạn là chuyện không thể tránh khỏi” - ông Huy nhận định.

Tuổi Trẻ cho biết: Dự án thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo do Công ty CP Đầu tư và xây dựng điện Long Hội (Hà Nội), thuộc Tổng Công ty CP Thương mại xây dựng Vietracimex làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 12/2003, dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2006. Dự án gồm 2 nhà máy thủy điện Đạ Dâng và Đạ Chomo với tổng công suất 22 MW .

Tuy nhiên, đến thời điểm xảy ra tai nạn, dự án đã “quá hạn” tám năm và vẫn chưa hoàn thành. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Tiên Phong - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng điện Long Hội  cho biết: “Công trình đã hoàn thành khoảng 85%, chỉ còn 15 % nữa thôi. Do địa chất quá kém làm thời gian kéo dài, không được như mong muốn nên nhiều lần phải thay nhà thầu xây dựng. Đầu tiên là Công ty Lũng Lô, lần thứ hai là Công ty CP xây dựng công trình ngầm Vinavico”. Ông Nguyễn Tiên Phong chia sẻ: “Đoạn sụp này là do Công ty Vinavico thi công”.

Như vậy, Vinavico chịu trách nhiệm như thế nào trong vụ việc này cần được các cơ quan chức năng làm rõ. Công trình có thể đã được giao cho các bên B, B’ qua khẳng định của ông Phong: "Phần thi công đầu bên kia hầm là Công ty CP Sông Đà 10 phụ trách, còn phần thi công bên này là của Công ty CP Sông Đà 505".

Tiền Phong đăng tải ý kiến của Thứ trưởng Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết: Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Chính phủ về việc lập đoàn kiểm tra xác định nguyên nhân dẫn tới sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo. Từ đó mới xác định trách nhiệm của các bên liên quan.

Theo ông Hùng, hiện toàn bộ hồ sơ liên quan tới dự án này đã được thu giữ, chuẩn bị sẵn sàng cho việc xác định nguyên nhân sự cố. Đồng thời hiện trường cũng đã được phong tỏa và đình chỉ thi công để xác định nguyên nhân sự cố./.