Sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế có mặt kịp thời tại hiện trường để trực tiếp tham gia chỉ đạo ứng cứu các nạn nhân vụ sập đường hầm công trình xây dựng thủy điện tại Lâm Đồng, chiều 19/12, Bộ Y tế tổ chức họp khẩn cấp Ban Chỉ đạo phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn của Bộ nhằm đáp ứng tốt nhất việc cấp cứu các nạn nhân. Tham gia cuộc họp có đại diện Tổ chức Y tế Thế giới, Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai và các Vụ, Cục liên quan của Bộ Y tế.

Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Phạm Lê Tuấn đã chỉ đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ phối hợp với Đội cấp cứu tại hiện trường lên phương án, phối hợp với lực lượng cứu hộ đưa nạn nhân ra khỏi đường hầm; phân loại, sơ cấp cứu tại chỗ và vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế để tiếp tục hồi sức sau khi lực lượng bộ đội công binh mở được đường vào hầm nơi có 12 nạn nhân đang mắc kẹt. Bộ đã huy động 12 máy thở đến hiện trường để sẵn sàng ứng cứu nạn nhân. Nguy cơ lớn nhất đối với sức khỏe của nạn nhân hiện nay là có thể thiếu ô xy để thở và mắc bệnh viêm phổi do nhiễm lạnh. Vì vậy, lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai điều động đội ứng cứu khẩn cấp mang theo thuốc kháng sinh cùng các trang thiết bị cần thiết, tiếp cận hiện trường trong tối và đêm nay để cùng các lực lượng triển khai các phương án cấp cứu cho nạn nhân.

bo_y_te_oeco.jpgBộ Y tế họp khẩn Ban Chỉ đạo phòng chống thảm họa và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, theo thông tin từ hiện trường, nhiều khả năng đêm 19/12, lực lượng bộ đội công binh sẽ tiếp cận được nạn nhân. Vì vậy, ngành Y tế đang chuẩn bị hết sức khẩn trương việc ứng cứu cho nạn nhân.

 “Ngành Y tế đã thực hiện hết trách nhiệm của mình, quan tâm đến các nạn nhân không may bị tại nạn và đang bị kẹt trong đường hầm. Ngành cũng đang cố gắng tìm mọi giải pháp để đảm bảo tính mạng cho nạn nhân. Ngoài ra, ngành Y tế đã phối hợp với Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia và các lực lượng chức năng, lực lượng y tế đã áp sát hiện trường, phối hợp với các lực lượng để giải quyết kịp thời các tình huống như thiếu ô xy trong đường hầm thì đã đưa được ô xy vào, một mặt rút nước trong hầm ra, mặt khác bơm khí nong vào để nạn nhân không bị lạnh. Đặc biệt là đã đưa được dinh dưỡng vào cho nạn nhân. Đến nay, các nạn nhân hoàn toàn tỉnh táo, vẫn giao dịch được với bên ngoài bình thường” - Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh.

Trước đó, Sở Y tế Lâm Đồng đã điều động 11 xe, 30 nhân viên y tế, túc trức 24/24 tại hiện trường từ hôm xảy ra vụ tai nạn đến nay để sẵn sàng tham gia cấp cứu, vận chuyển nạn nhân, dựng 2 lều bạt, chuẩn bị 12 cáng cứu thương kèm phương tiện cấp cứu, thuốc men để làm điểm sơ cấp cứu tại hiện trường xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, cung cấp ô xy để đội cứu hộ bơm vào khoang hầm nơi 12 nạn nhân đang bị kẹt bên trong.

Thực hiện sự chỉ đạo của  Bộ trưởng Bộ Y tế, tối 17/12, Đoàn cán bộ, chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) đã lên Lâm Đồng để tham gia tổ chức chỉ đạo, tư vấn về chuyên môn trong công tác cứu nạn; đồng thời chuyển tới hiện trường 50 túi dung dịch dinh dưỡng năng lượng cao để hỗ trợ, tiếp cứu, bơm vào cho nạn nhân sử dụng qua đường ống dẫn. Hiện nay, lực lượng hậu cần của ngành chuyển sang cung cấp cháo vào đường hầm theo yêu cầu của các nạn nhân./.