Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về xã Cát Văn, huyện Thanh Chương nơi có 4/12 người con xứ Nghệ (trong đó có 3 người thân, họ hàng trong một gia đình) đang mắc kẹt trong vụ sập hầm tại Đạ Dâng, thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng vào ngày 16/12 vừa qua.
Xứ Nghệ những ngày cuối năm lạnh đến buốt xương, kèm theo từng làn gió rít từng cơn giữa núi rừng, xa xa những ngôi nhà thấp lè tè giữa miền quê khiến không khí trở nên ảm đạm. Hỏi nhà 3 người con của xã Cát Văn gặp nạn trong vụ sập hầm thủy điện ở Lâm Đồng, nhiều người dân nơi đây vừa chỉ dẫn, vừa tâm sự rồi cũng vừa hỏi chúng tôi: Đó là con, cháu nhà ông Diệm đó các chú. Nhà ông ấy có 2 đứa con, một người anh em nhà ông nữa mấy ngày ni nhận tin từ Lâm Đồng về ông bà cứ đi ra đi vào mà không biết ra răng. Các chú nhà báo, thế bây giờ họ đã đưa được ai ra chưa?. Vừa nói, vừa hỏi họ dẫn chúng tôi đến nhà ông Phạm Văn Diệm, bà Hoàng Thị Bình.
Ngôi nhà nhỏ ở xóm 10, xã Cát Văn vẫn cửa hé mở nho nhỏ. Thấy có người lạ vào, đàn chó từ trong nhà xộc ra, cùng với đó là dáng một người đàn ông khá khoẻ mạnh cũng ra theo để hỏi thăm.
Ở mảnh đất lắm rừng nhiều cây này dường như lạnh hơn, ông vội vàng rót bát nước chè xanh vẫn còn đặc quánh mời chúng tôi ngụm một miếng cho đỡ lạnh. Rồi ông bảo, vợ ông bà Bình sinh được 7 người con. Trong đó, hai người con trai là Phạm Viết Nam và Phạm Viết Bắc theo nghề thi công các công trình thủy điện.
“Thằng Nam nhà tui nó đi làm thuỷ điện khắp nước ni (này-PV). Từ thủy điện Yaly rồi về miền Tây xứ Nghệ làm một số thuỷ điện tại quê hương. Cách đây mấy tháng thằng Nam nó lại đưa em trai (Phạm Viết Bắc) cùng đi vào làm thủy điện ở Lâm Đồng. Tuy nhiên, chưa được bao lâu thì nay nó gặp nạn đang mắc kẹt trong đường hầm, không biết ra sao rồi”, ông Diệm nói.
Ông Diệm cũng cho biết, anh Phạm Việt Bắc đã có vợ là chị Đặng Thị Hồng Ngọc và sinh được đứa con đến nay đã 5 tuổi và đang ở nhà với ông bà nội; còn chị Ngọc thì theo chồng vào trong Lâm Đông đi làm cùng.
Ông Diệm buồn bã nói: “Vụ sập hầm làm vợ thằng Bắc, chị Ngọc và thằng Nam nhà tui đang mắc kẹt trong đó. Thằng Bắc thì ở ngoài nó như ngồi trên đống lửa không biết vợ nó trong thế nào nữa”. Nói đoạn ông Diệm cố dấu đi những giọt nước mắt buồn.
Ông nói tiếp: “Sáng nay (19/12) thằng con tôi nó mới điện thoại về bảo: Hiện vẫn chưa tiếp cận chỗ sập hầm, chỉ nghe nói họ mới tiếp được ăn, uống và nhìn thấy một ít ánh sáng. Còn để tiếp cận chỗ các nạn nhân đang mắc kẹt đưa ra thì chưa rõ thế nào. Gia đình tôi nóng ruột lắm các chú ơi. Nhà nước phải làm thế nào để đảm bảo cho mọi người chứ, đã gần 4 ngày rồi mà vẫn không chưa có tin tức gì sao”. Ông Diệm nóng ruột nói cùng chúng tôi.
Cũng theo ông Diệm, từ ngày xảy ra sự cố, cháu Dũng (18 tuổi) nhà tôi (con trai đầu thằng Nam) đã có mặt tại Lâm Đồng để tìm hiểu sự việc và dõi theo tin tức của cha. Mọi diễn biến của việc cứu hộ, cứu nạn đều được đứa cháu thông báo về cho gia đình, ông bà.
Còn ở quê, cũng từ ngày nhận tin dữ, bà con hàng xóm luôn đến hỏi thăm, động viên an ủi gia đình ông bà Diệm cần giữ gìn sức khoẻ, bình tĩnh đợi tin các cháu.
Theo thông tin từ lực lượng cứu hộ ở công trình thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo, thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, đến nay, công việc cứu hộ, cứu nạn vẫn đang được triển khai khẩn trương. Lực lượng chức năng đang cố gắng vừa đào hầm phụ, vừa bơm ô xi, cháo, sữa, nước vào trong cho những người đang mắc kẹt đồng thời hút nước ra ngoài. Hiện nay, sức khỏe của các nạn nhân trong hầm đang ổn định.
Trong số 12 người bị mắc kẹt trong hầm có 4 người Nghệ An, trong đó có 3 anh em: Phạm Viết Nam (SN1973); Đặng Thị Hồng Ngọc (vợ anh Bắc sinh 1988); Phạm Viết Lành (em họ anh Nam, sinh 1994) đều ở huyện Thanh Chương và anh Phạm Văn Quang, sinh 1992 đến nay vẫn chưa xác định được địa chỉ cụ thể.
Danh sách 12 công nhân mắc kẹt trong hầm thủy điện được công bố:1. Phạm Viết Nam (SN 1976) xã Cát Văn, Thanh Chương, tỉnh Nghệ An
2. Phạm Xuân Đăng, nam, 1964; tỉnh Vĩnh Phúc
3. Đặng Thị Hồng Ngọc, nữ (SN1988), xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An
4. Phạm Viết Lành (SN 1994); xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An
5. Nguyễn Anh Tuấn, nam, 1991; tỉnh Hà Tĩnh
6. Nguyễn Văn Quang, nam, 1992; tỉnh Nghệ An
7. Hoàng Ánh Văn, nam, 1990; tỉnh Nam Định
8. Hoàng Đình Thịnh, nam, 1996; tỉnh Nam Định
9. Hoàng Đình Hường, nam, 1984; tỉnh Nam Định
10. Nhữ Văn Trường, nam, 1992; tỉnh Hà Nam
11. Nguyễn Tiến Đoàn, nam , 1989; tỉnh Nam Định
12. Trương Tuấn Việt, nam, 1984; tỉnh Hà Nam./.