Thảo luận tại Hội trường sáng 26/5, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) nhắc đến câu chuyện tăng năng suất lao động. Ông So cho rằng, năng suất lao động ở nước ta ở mức thấp, chỉ bằng 7% Singapore, 17,6% Malaysia và 36% của Thái Lan.

Theo vị đại biểu này, năng suất lao động Việt Nam đang mất dần lợi thế của lao động rẻ, làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế vì vậy chúng ta cần có cách nhìn đứng đắn và toàn diện trong hoạch định chính sách, thúc đẩy tăng trưởng năng suất, chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, cải thiện trình độ kỹ thuật lao động.

dai_bieu_nguyen_nhu_so_da_s_tcmd.jpg
Đại biểu Nguyễn Như So. (Ảnh: quochoi.vn)

“Khuyến khích đầu tư khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu sang hoạt động có giá trị gia tăng, nâng cao đóng góp vào năng suất các nhân tố tổng hợp”- đại biểu Nguyễn Như So nói.

Lao động Việt Nam đang ở đâu trong thế giới 4.0?

Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), nguyên nhân quan trọng nhất để năng suất lao động của Việt Nam rất thấp so với các nước ngay trong khu vực ASEAN là tăng trưởng chủ yếu dựa vào chiều rộng, tăng vốn đầu tư và tăng lao động, trong khi đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp TFP còn rất thấp, năm 2017 đạt 45,19%.

Ông Thắng tự hỏi, vậy lao động Việt Nam đang ở đâu trong thế giới 4.0 này? Vị đại biểu này cho rằng, chất lượng lao động phản ánh trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng và kỷ luật lao động. Vì vậy, ông Thắng đề nghị Chính phủ cần có cuộc điều tra, khảo sát, đánh giá, nhận diện đầy đủ về tình hình chất lượng năng suất lao động của Việt Nam hiện nay đang khó, thiếu, yếu điểm nào để từ đó khẩn trương xây dựng chiến lược hệ thống chính sách, giải pháp mạnh để nâng cao chất lượng năng suất lao động nếu không muốn tụt hậu ngày càng xa hơn.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng. (Ảnh:quochoi.vn)

Tham gia giải trình một số vấn đề có liên quan, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá, thời gian vừa qua tập trung giải quyết việc làm trong nước đạt 1.639.751 người, đạt 102% kế hoạch. Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài 134.000 người, đạt 128%.

Hết tháng 4/2018, lao động khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 38,6%. Số lao động làm công ăn lương có quan hệ lao động tăng dần, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia lực lượng lao động duy trì ở mức cao là 76%. Tỷ lệ lao động thất nghiệp thành thị thấp hơn so với chỉ tiêu.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, tính bền vững của việc làm không cao, thiếu 2 nguồn nhân lực quan trọng là nhân lực quản lý và nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành kinh tế động lực.

Đại biểu Đào Ngọc Dung. (Ảnh: quochoi.vn)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho thấy, việc làm cho thanh niên, sinh viên ra trường còn khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp cao, bình quân mỗi năm có khoảng trên 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp. Năng suất lao động thấp, theo khách quan là có chuyển biến, ước tính cho đến nay đạt 93,2 triệu đồng, nếu tính theo giá hiện hành thì tăng 6,6% so với năm 2016.

“Các chuyên gia cho rằng chúng ta áp dụng phương pháp tính chung phù hợp với xu hướng quốc tế, song qua trao đổi thấy rằng, năng suất lao động của chúng ta có thể cần phải tính toán lại một cách cụ thể. Chúng ta chưa tính hết kinh tế ngầm, hay nói cách khác là chưa đánh giá chính xác thu nhập không chính thức, nếu làm được điều này, chúng tôi tin rằng năng suất lao động Việt Nam không phải như thế này”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết./.