Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình ở nước ta hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Việt Nam đang tăng sinh trở lại. Giải pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn tình trạng này?

Quy mô dân số nước ta hiện là 86 triệu người.  Mỗi năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ cao gấp 3 lần số phụ nữ hết tuổi sinh đẻ, cho dù số chị em này chỉ có từ 1-2 con thì việc tăng dân số ở nước ta trong thời gian tới là khó tránh khỏi. Để đạt được mục tiêu ổn định dân số ở mức 115 – 120 triệu người vào giữa thế kỷ 21 đang là một thách thức lớn đối với nước ta trong những năm tới. Trong khi đó, Pháp lệnh Dân số có hiệu lực được 6 năm, nhưng một bộ phận người dân, thậm chí cả cán bộ, Đảng viên vẫn sinh con thứ ba, điều này làm cho công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền về chính sách dân số gặp không ít khó khăn. Hiện nước ta đã có 45/63 tỉnh, thành phố có số người sinh con thứ 3 trở lên tăng cao, trong đó dẫn đầu là tỉnh Cà Mau với tốc độ tăng 100%, Trà Vinh 97%, Bạc Liêu 87%...

Bên cạnh đó, sự chênh lệch giới tính khi sinh cũng đang ở mức báo động. Năm 2007 và những tháng đầu năm 2008 cứ 100 bé gái sinh ra có tới 112-113 bé trai - tương đương với Trung Quốc 20 năm trước, khi nước này bước vào giai đoạn mất cân bằng giới tính. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra thì trong khoảng 15 -20 năm tới, nước ta sẽ có khoảng 3 triệu thanh niên không có cơ hội lấy vợ.

Trước tình hình đó, ngành dân số xác định phải đưa công tác vận động lên hàng đầu. Phải tranh thủ được sự tham gia nhiệt tình, ủng hộ của các tổ chức chính trị - xã hội, các già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo tham gia tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt chính sách dân số.

Năm 2009, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Điều 10 Pháp lệnh Dân số. Nội dung cơ bản là quy định mỗi gia đình chỉ có từ 1-2 con, quy định về thời gian, khoảng cách giữa hai lần sinh, đồng thời quy định những trường hợp cụ thể được phép sinh con thứ 3 trở lên mà không bị coi là vi phạm pháp luật. Với nghị định này nếu sử phạt nghiêm minh, chắc chắn số người sinh con thứ ba sẽ giảm.

 Kế hoạch hóa gia đình để phát triển kinh tế

Từ thị xã Bắc Ninh chưa đầy 3km, chúng tôi về xã Kim Chân, huyện Quế Võ, Bắc Ninh tìm gặp vợ chồng anh Nguyễn Văn Bão, một trong những điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hạt nhân tích cực của phong trào vận động thực hiện chính sách DS – KHHGĐ của huyện. Trước đây, do tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn rất nặng nề nên tình trạng sinh con thứ 3 khá phổ biến. Các cặp vợ chồng đều thiếu hiểu biết về các biện pháp tránh thai. Nhằm giúp người dân có kiến thức về SKSS/KHHGĐ để thay đổi cách nghĩ bao đời nay, anh đã bàn với các cấp chính quyền cùng vào cuộc, tổ chức tuyên truyền, củng cố đội ngũ cộng tác viên là trưởng thôn, cán bộ phụ nữ kết hợp với các đoàn thể vận động đối tượng trong diện sinh thực hiện các biện pháp tránh thai, KHHGĐ. Anh Bão tâm sự: “Vợ chồng tôi bàn với nhau chỉ đẻ hai con để có điều kiện chăm lo cho các cháu. Tôi cũng đi vận động  mọi người trong xã như vậy.”

Do sự vận động tích cực của anh Bão và các bộ dân số, nhiều gia đình đã lựa chọn các biện pháp KHHGĐ phù hợp với bản thân. Đến nay, gần 90% số cặp vợ chồng trong thôn đã thực hiện các biện pháp tránh thai, tỷ lệ sinh con thứ ba giảm đáng kể. Điều đáng mừng là nhận thức của người dân có sự thay đổi, họ muốn sinh ít con để chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn cho con cái, trẻ em được đến trường học hành đầy đủ.

Nhờ làm tốt công tác tổ chức, tổ dân số thôn đã chọn được những cộng tác viên tâm huyết, nhiệt tình có chuyên môn tham gia vận động. Những người vi phạm chính sách dân số không phải là mục tiêu để chỉ trích mà là để vận động, thuyết phục họ thực hiện các biện pháp dân số, KHHGĐ. Hội phụ  nữ tranh thủ các lớp dạy nghề, lồng ghép các kiến thức về giới, sinh đẻ có kế hoạch đã được mọi người đồng tình hưởng ứng thực hiện. Hiện cả thôn đã hoàn thành chỉ tiêu đăng ký không có người sinh con thứ 3 trở lên, đời sống của người dân trong thôn được nâng lên rõ rệt. Đường vào các thôn đều được bê tông hóa, cầu bê tông thay cho cầu tạm, 90% số hộ gia đình trong xã có nhà ngói, mái bằng có phương tiện đi lại. Nhiều gia đình sinh con một bề đã tự nguyện dừng lại ở mô hình 2 con để nuôi dạy, chăm sóc cho tốt. Nhìn cơ ngơi trị giá tiền tỉ của gia đình Bão hiện nay, ít ai nghĩ rằng chỉ cách đây vài năm gia đình anh còn trong cảnh khó khăn. Điều vui mừng hơn là cả hai con của anh chị đều ngoan ngoãn, cháu lớn đang phục vụ trong quân đội, cháu thứ hai đang học trường năng khiếu thị xã Bắc Ninh./.

 ** Ông Ian Howie, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam: KHHGĐ là vấn đề mấu chốt

Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) là một vấn đề mấu chốt trong Chiến lược dân số Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cần tăng cường vận động các nhà tài trợ và cam kết tài chính để bù đắp sự thiếu hụt 77,3 triệu USD (nguồn tài trợ cho các phương tiện tránh thai sẽ chấm dứt vào năm 2010) để có thể cung ứng hàng hoá phương tiện tránh thai cho thời kỳ 2006-2015. Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông chuyển đổi hành vi và thu hút nam giới tham gia tích cực vào KHHGĐ. Cần tổ chức các chiến lược truyền thông để giáo dục mọi người về những lợi ích của gia đình nhỏ.

 ** Ông Dương Quốc Trọng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số: Dự thảo sửa đổi Pháp Lệnh dân số đang được tiến hành

Hiện mật độ dân số Việt Nam đã cao gấp 5 lần so với mật độ trung bình thế giới và gấp 1,5 lần nếu so với Trung Quốc. Dân số tăng nhanh trong khi cơ sở hạ tầng xã hội không đáp ứng kịp đã dẫn tới chất lượng cuộc sống toàn dân không được cải thiện nhiều. Để kiềm chế mức sinh, dự thảo sửa đổi Pháp lệnh dân số đang được tiến hành với quy định cụ thể mỗi gia đình chỉ có 1 - 2 con (có 15 nhóm đối tượng cụ thể được phép sinh con thứ 3). Tổng Cục dân số đang xây dựng dự thảo Nghị định về xử phạt đối với cán bộ viên chức nhà nước vi phạm Pháp lệnh Dân số.

 ** Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Phải rà soát lại các văn bản về tổ chức bộ máy

Bộ Y tế cần nhìn nhận, đánh giá vấn đề một cách sâu rộng và xuyên suốt trong 3 năm 2006-2007-2008, mới thấy được nguyên nhân gốc rễ của việc tăng dân số. Bộ Y tế phải rà soát lại các văn bản về tổ chức bộ máy trong lĩnh vực này, chứ như hiện nay bộ máy cấp cơ sở quá phức tạp làm cho việc chỉ đạo điều hành của bộ thêm rối ren. Song song đó, cần nghiên cứu chính sách dân số một cách linh hoạt, phù hợp với từng hoàn cảnh ở mỗi vùng miền. Kèm theo đó là những biện pháp về kinh tế như thưởng hoặc có các chế độ ưu đãi cho gia đình sinh đúng 2 con, chứ không thể cứng nhắc chỉ là biện pháp hành chính đơn thuần./.

 Ông Nguyễn Bá Thủy - Thứ trưởng Bộ Y tế: Công tác truyền thông là rất quan trọng

Việc giải thể UBDSGĐ &TE đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả giảm sinh và tình hình thực hiện công tác DS-KHHGĐ trên phạm vi toàn quốc. Năm 2007, Tổng cục Dân số đã không đạt chỉ tiêu mà Quốc hội giao và tình trạng đó vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2008.

Trong thời gian tới, công tác truyền thông là giải pháp quan trọng để góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu, định hướng của ngành dân số. Cần tuyên truyền vận động các nhà lãnh đạo, nhà quản lý các cấp và những người có uy tín trong cộng đồng để họ hiểu đầy đủ về dân số và phát triển, SKSS/KHHGĐ, bình đẳng giới. Lồng ghép các vấn đề DS/SKSS/KHHGĐ và bình đẳng giới vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các cấp. Hoàn thiện các chính sách về dân số, đảm bảo nguồn lực và ưu tiên thực hiện chương trình DS/SKSS/KHHGĐ tại các khu vực dân cư còn nhiều khó khăn.

Các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền những chủ trương, luật pháp, chính sách của Đảng, Chính phủ, của ngành và các địa phương trong lĩnh vực DS/SKSS/KHHGĐ. Bên cạnh việc giới thiệu, biểu dương gương người tốt, việc tốt, các tập thể, gia đình, cá nhân điển hình tiên tiến, những mô hình, kinh nghiệm hay trong việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ thì phải phê phán tư tưởng lạc hậu muốn có đông con và phải có con trai để nối dõi tông đường, trọng nam hơn nữ; những đơn vị, địa phương buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng sinh con thứ 3 trở lên tăng; những cán bộ, Đảng viên vi phạm chính sách dân số, những cơ sở chẩn đoán giới tính thai nhi, những cơ sở lưu hành các ấn phẩm sinh con theo ý muốn./.