Trong khi trạm thu phí BOT tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang vẫn đang “nóng” với việc tài xế dùng tiền lẻ qua trạm nhằm phản đối việc thu phí đường tránh nhưng đặt trạm trên Quốc lộ 1, thì tại Đồng Nai, cánh tài xế cũng đang bắt đầu “râm ran” bàn nhau sẽ lại dùng “chiêu" tiền lẻ để phản đối trạm thu phí đường tránh thành phố Biên Hòa.
Đây là trạm thu phí có tính chất giống như trạm BOT Cai Lậy, khi thu phí đường tránh nhưng trạm lại chặn Quốc lộ 1, gây bức xúc từ lâu.
Vẫn là BOT đường tránh nhưng thu phí trên Quốc lộ
Tháng 7/2014, trạm BOT tuyến tránh thành phố Biên Hòa chính thức thu phí. Nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận. Dự án có chiều dài toàn tuyến là 12,2km, điểm đầu giao với Quốc lộ 1 thuộc xã Bình Minh, huyện Trảng Bom và điểm cuối giao với Quốc lộ 51 thuộc phường Long Bình, thành phố Biên Hòa.
BOT tuyến tránh Biên Hòa nhưng đặt trên Quốc lộ 1. |
Anh Nguyễn Thiện Nhân, tài xế xe 16 chỗ chạy dịch vụ ở huyện Trảng Bom cho biết, từ ngày có trạm thu phí đường tránh Biên Hòa, mỗi tháng trung bình anh tốn thêm khoảng 2 triệu tiền phí qua trạm. Nhưng bức xúc hơn là dù xe đi thẳng vào Biên Hòa, không đi một mét đường tránh nào nhưng vẫn “đều đều” mất 2 lượt vé, mỗi lượt 50.000 đồng.
Theo tài xế Nhân, trước đây cũng đã nhiều người lên tiếng phản đối nhưng đâu vẫn vào đấy. Gần đây nghe thông tin về cách phản đối của tài xế ở trạm tuyến tránh Cai Lậy, Tiền Giang, cánh tài xế đang bàn nhau sử dụng “chiêu” tiền lẻ để phản đối.
“Có tài xế đã ngồi thảo luận với nhau là sẽ có ngày người ta làm chuyện đó (dùng tiền lẻ qua trạm) vì quá vô lý. Trong vé thu phí là thu đường tránh Biên Hòa là đường Võ Nguyên Giáp, nhưng khi người dân đi thẳng về Biên Hòa, không đi qua đường Võ Nguyên Giáp vẫn phải trả tiền”, anh Nhân cho biết.
Dân kêu trời vì xe né trạm
Từ ngày có trạm thu phí BOT tuyến tránh thành phố Biên Hòa, tình trạng xe né trạm cũng gia tăng nhanh chóng khiến đời sống của người dân trong các khu dân cư có xe né trạm đi qua bị đảo lộn. Quá bức xúc, người dân đã bàn nhau làm barie chặn đường dân sinh, ngăn xe lớn đi vào khu dân cư, chỉ có xe dưới 7 chỗ mới “chui lọt”.
Ông Trịnh Hữu Nghị, nhà ở ấp Bàu Cá, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom cho biết, xe né trạm chạy bất kể ngày đêm, barie ngăn được xe lớn, chỉ còn xe nhỏ vào được nhưng thỉnh thoảng vẫn có xe tải cố tình đi vào, không qua được barie phải lùi ra khiến giao thông hỗn loạn, chưa kể nhiều tài xế phóng nhanh, chạy ẩu gây nguy hiểm cho cư dân trong ấp, nhất là trẻ em.
“Xe né trạm vào đường dân sinh gây xáo trộn, mất an toàn trong khu xóm. Không những thế, xe đi lại làm đường hư hỏng khiến người dân bức xúc, phải dựng barie ngăn cản”, ông Nghị cho biết.
Dân lập barie ngăn xe phá đường, chỉ có xe nhỏ mới "chui" qua được. |
“Trạm thu phí đường tránh Biên Hòa nhưng đường đó nằm tận xã Bình Minh nên đặt trạm tại vị trí này là không đúng. Xã đồng tình với chủ trương thu phí nhưng trạm thu phải được đặt đúng điểm”, ông Đồng nêu ý kiến.
Có thể thấy, việc bất hợp lý ở trạm thu phí BOT tuyến tránh thành phố Biên Hòa, Đồng Nai khá giống với câu chuyện đang diễn ra tại thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Nếu như không sớm có những giải pháp phù hợp, thì khả năng là những kiểu phản đối trạm thu phí như đã xảy ra ở Cai Lậy có nguy cơ tái diễn, tiếp tục gây ra những hệ lụy cho xã hội./.
Lùm xùm trạm thu phí BOT Cai Lậy và sự chậm chạp của Bộ GTVT