Lãnh đạo Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 vừa đề nghị Tổng cục Đường bộ xem xét, điều chỉnh mức thu giá dịch vụ tại hợp đồng BOT dự án cải tạo QL2, đoạn tránh TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.

Cụ thể, chủ đầu tư đề nghị tăng từ 10.000 đồng/lượt lên 35.000-40.000 đồng/lượt theo lộ trình kéo dài từ 6-8 năm đối với giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài hoàn vốn cho Dự án BOT xây dựng QL2, đoạn tránh TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).

tl2_klfs.jpg
Được cho là “đặt nhầm chỗ”, bị nhiều lần kiến nghị di dời, nhưng trạm thu phí Bắc Thăng Long lại đề xuất tăng phí gấp 3 lần.

Theo đó, nhà đầu tư này đề xuất tăng giá dịch vụ tại trạm thu giá dịch vụ Bắc Thăng Long - Nội Bài (địa phận TP. Hà Nội) theo 2 phương án.

Với phương án 1 (thu trong 19 năm 5 tháng 20 ngày), Vietracimexi 8 muốn thu tăng 2,5 lần so với mức thu hiện hữu (10.000 đồng/lượt/xe dưới 12 chỗ ngồi) kể từ ngày 1/1/2018 đến hết ngày 31/12/2020.

Tiếp đó, mức phí này sẽ tăng lên 3 lần, tương ứng với 30.000 đồng/lượt/xe dưới 12 chỗ ngồi, trong giai đoạn từ 1/1/2021 đến ngày 31/12/2024; tăng lên 3,5 lần, tương ứng với 35.000 đồng/lượt/xe dưới 12 chỗ ngồi kể từ ngày 1/1/2025 cho đến khi kết thúc thời gian thu giá hoàn vốn là 20/6/2030.

Với phương án 2
(thu trong 17 năm 5 tháng 19 ngày), Vietracimex 8 muốn tăng mức thu lên 3 lần mức thu hiện hữu kể từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2020, tương ứng với 30.000 đồng/lượt/xe 12 chỗ. Từ 1/1/2021 đến khi kết thúc thời hạn thu phí (ngày 19/6/2028), mức thu được đẩy lên tới 4 lần, tương ứng với 40.000 đồng/lượt/xe dưới 12 chỗ.

Theo chủ đầu tư, dự án BOT xây dựng QL2, đoạn tránh TP. Vĩnh Yên có giá trị quyết toán đầu tư là 505 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay), hoàn thành, đưa vào khai thác từ ngày 28/12/2010.

Nguồn thu hoàn vốn cho Dự án là trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài với thời gian hoàn vốn dự kiến trong hợp đồng gốc là 16 năm 10 tháng 11 ngày (kết thúc vào ngày 11/11/2027) với lộ trình tăng phí từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng/lượt/xe dưới 12 chỗ kể từ ngày 1/1/2013.

Tuy nhiên, Vietracimex8 cho rằng, việc chưa được tăng giá theo lộ trình và bị xóa trạm thu phí phụ Vĩnh Thanh đã gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.

Theo ghi nhận, kể từ khi trạm thu phí này đi vào hoạt động đã gây bức xúc cho người dân trên địa bàn Hà Nội, bởi dù không lưu thông vào tuyến đường tránh Vĩnh Yên nhưng toàn bộ phương tiện lưu thông trên tuyến đường Bắc Thăng Long qua xã Phú Cường, Sóc Sơn phải trả phí để hoàn vốn cho tuyến đường tránh Vĩnh Yên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

UBND TP Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ cho phép dời trạm Bắc Thăng Long đi nơi khác vì vị trí đặt trạm không hợp lý./.