Thực hiện mục tiêu đến năm 2025, có 97% dân số trên địa bàn được sử dụng điện lưới, cán bộ, công nhân ngành điện ở tỉnh Lai Châu đã và đang nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm đưa điện về thắp sáng các bản làng.
"Không có điện, rất thiếu ánh sáng. Máy xát gạo, máy tẽ ngô và nhiều loại máy khác không có điện để sử dụng, nên bà con rất khổ".
"Bà con rất mong muốn nhà nước tạo điều kiện kéo điện lưới về bản".
Đó là mong ước của người dân các bản vùng sâu, vùng xa ở xã Tủa Sín Chải, huyện biên giới Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Không có điện thắp sáng, nhiều năm nay, "cứu cánh" với bà con mỗi khi màn đêm buông xuống là củi lửa, đèn dầu, điện ắc quy, hay điện mặt trời... Tuy nhiên, điện mặt trời và điện ắc quy cũng chỉ vài ba gia đình khá giả mới có điều kiện để dùng.
Xã Tủa Sín Chải có 11 bản thì còn tới 9 bản chưa có điện lưới quốc gia. Đây cũng là một trong những xã khó khăn nhất huyện Sìn Hồ. Không có điện, hành trình đến với con chữ và cuộc sống đủ đầy của người dân cũng trở nên gian nan hơn.
Cô giáo Sìn Thị Hồng, Trường Mầm non xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ chia sẻ: "Cơ hội các cháu tiếp cận với tiếng phổ thông rất là ít, vì ở bản đa số bà con chỉ giao tiếp bằng tiếng Mông. Nếu như có điện, các gia đình sắm được các phương tiện nghe, nhìn khác thì khi đó các cháu sẽ được tiếp thu các câu, từ ngữ tiếng Việt qua các phương tiện đó, thì các cháu sẽ tiếp cận và hiểu được nhiều hơn".
Nằm ém mình trên sườn núi bên bờ vách sông Đà, bản Tìa Khí, xã Tủa Sín Chải có hơn 60 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Mỗi khi đi nạp ắc quy, hoặc có việc phải về trung tâm xã, bà con phải vất vả vượt hàng chục cây số đường mòn lởm chởm đất đá. Đây cũng là một trong những khó khăn mà các đơn vị thi công lưới điện phải đối mặt.
Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực, với quyết tâm của mỗi cán bộ, công nhân ngành Điện và sự hỗ trợ tạo điều kiện của chính quyền địa phương, mới đây, bản Tìa Khí đã được đóng điện trong niềm vui sướng của đông đảo người dân: "Khi không có điện thì cuộc sống rất là khó khăn và dùng các máy móc mà không có điện thì không dùng được. Bây giờ có điện rồi làm cái gì cũng dễ dàng, bà con trong bản rất là vui".
"Có điện lưới quốc gia về bản thì chúng tôi sẽ mua nhiều loại máy như máy xay xát, máy tuốt lúa và các loại máy khác. Điện lưới không chỉ sử dụng ở hiện tại mà bà con còn được sử dụng lâu dài, phục vụ cho đời sống sau này".
Tỉnh Lai Châu có 23 xã biên giới, 4 huyện thuộc danh sách nghèo và gần 700 thôn bản đặc biệt khó khăn; trong số này vẫn còn 56 thôn bản chưa có điện lưới.
Theo kế hoạch, dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2015 - 2020, với tổng vốn đầu tư gần 390 tỷ đồng khi hoàn thành sẽ cấp điện cho hơn 5.000 hộ dân ở 140 thôn, bản.
Ông Bùi Xuân Thành, Giám đốc Công ty Điện lực Lai Châu cho biết: Quá trình thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 và tình hình thiên tai bão lũ, nhất là trong khâu vận chuyển và tập kết vật liệu, thiết bị.
Mục tiêu đặt ra trong quý 4 năm nay là hơn 400 hộ dân thuộc 8 bản khó khăn của xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ sẽ được cấp điện. Tuy nhiên, ngoài nỗ lực của ngành Điện, chính quyền địa phương cũng cần có cơ chế, giải pháp đồng bộ để hỗ trợ trong quá trình triển khai dự án.
"UBND tỉnh có thể thành lập một ban giải phóng mặt bằng và có cơ chế đặc thù với các dự án điện, đặc biệt là các dự án cấp điện cho bà con vùng sâu, vùng xa, nhất là các dự án chống quá tải của ngành điện. Các hộ dân vùng chưa có điện hiện nay đang sinh sống rải rác ở các khu vực, nên cần được bố trí tái định cư hoặc là quy hoạch dân về ở một khu tập trung thì việc kéo điện, cấp điện mới được thuận lợi hơn. Đề nghị UBND tỉnh khi phê duyệt các dự án thủy điện nhỏ, trong thiết kế có máy biến áp thì yêu cầu các chủ đầu tư mở thêm một cuộn dây 35kV và có bộ điện áp chế tải để phục vụ sau này có nguồn điện cấp cho bà con", ông Thành nói.
Nỗ lực của ngành Điện và cấp ủy, chính quyền các cấp đã giúp cho hàng nghìn hộ dân vùng sâu, vùng xa ở tỉnh biên giới Lai Châu có điện thắp sáng trong những năm gần đây. Có điện, bà con có thêm nhiều điều kiện, cơ hội để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Để việc đầu tư lưới điện được thuận lợi hơn và tránh lãng phí, chính quyền địa phương cũng cần tính đến phương án quy hoạch dân cư tập trung, bởi di dân không chỉ là di dời chỗ ở, mà còn kèm theo các vấn đề về phong tục, tập quán, văn hóa, việc làm và an sinh xã hội của đồng bào./.