Lai Châu là một tỉnh miền núi biên giới xa xôi cách trở ở khu vực Tây Bắc. Cách đây 10 năm khi bắt đầu chia tách, thành lập tỉnh mới, tỷ lệ hộ nghèo của Lai Châu lên tới 31,3% theo tiêu chuẩn cũ và tương đương với 63% của chuẩn mới.

Tuy là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của nhân dân tỉnh Lai Châu, tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo đầy ấn tượng, bình quân mỗi năm giảm 7,47%, năm 2013, hộ nghèo còn 27,22%. Nhân kỷ niệm 105 năm thành lập tỉnh, 65 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 10 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu và công bố Nghị quyết của Chính phủ thành lập thành phố Lai Châu thuộc tỉnh Lai Châu, phóng viên VOV phỏng vấn ông Lò Văn Giàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu về những quan tâm của tỉnh đối với công cuộc xóa nghèo bền vững.

10%20copy.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Lò văn Giàng tặng quà cho hộ nghèo

PV: Thưa ông, xin ông cho biết những thành tựu nổi bật của Đảng bộ tỉnh sau 10 năm chia tách, thành lập?

Ông Lò Văn Giàng: Sau 10 năm chia tách, thành lập, trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã đoàn kết vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu giành được những thành tựu quan trọng.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chăm lo, vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng được nâng lên. Tổ chức bộ máy và cán bộ được củng cố, kiện toàn; công tác phát triển tổ chức Đảng, đảng viên đạt kết quả vượt bậc, từ chưa đầy 6848 đảng viên, 204 tổ chức cơ sở Đảng, đến nay, đã có gần 21.000 đảng viên, 527 tổ chức cơ sở Đảng.

Kinh tế phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13%/năm, năm 2013 đạt 14,1%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu nhập bình quân đầu người tăng 5,6 lần, thu ngân sách trên địa bàn tăng 18 lần so với 2004. Sản xuất lương thực đạt 182 nghìn tấn, tăng 95 nghìn tấn so với năm 2003, đã cơ bản đảm bảo an ninh lương thực.

Chúng tôi đã cơ bản hoàn thành công tác di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, Huổi Quảng, Bản Chát gắn với xây dựng nông thôn mới, với 8.000 hộ. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào tái định cư từng bước được cải thiện, dần đi vào ổn định, nhất là vùng tái định cư gắn với trồng cây cao su.

Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Lò Văn Giàng và lãnh đạo tỉnh kiểm tra việc phát triển cây cao su

PV:Những bước tiến phát triển ấy đã thể hiện năng lực tổ chức của lãnh đạo các cấp thế nào, thưa ông? 

Ông Lò Văn Giàng: Ngay sau khi chia tách và thành lập, Đảng bộ tỉnh đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo và chỉ đạo một cách xuyên suốt đó là, tập trung lãnh đạo công tác quy hoạch, kế hoạch, nhất là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo tính chiến lược trong quá trình phát triển. Chăm lo củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh, cụ thể hóa thành các nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động, xác định vấn đề trọng tâm, cốt lõi để tập trung lãnh, chỉ đạo.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã không ngừng đổi mới về nội dung và phương thức lãnh đạo, đảm bảo các nguyên tắc trong tổ chức và sinh hoạt Đảng, phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể, đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, nhất là người đứng đầu.

PV: Tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo của Lai Châu những năm qua rất ấn tượng, bình quân mỗi năm giảm 7,47% hộ nghèo. Trong điều kiện mọi cái đều rất khó khăn, vậy kinh nghiệm của Lai Châu là gì, thưa ông?

ÔngLò Văn Giàng: Lai Châu thực hiện xóa đói giảm nghèo rất quyết liệt. Khi chúng tôi mới tách tỉnh, Ban chấp hành lâm thời đã ban hành Nghị quyết số 05 về

“đẩy mạnh thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm giai đoạn 2004-2010”.
Chúng tôi đã giao trực tiếp cho các ngành phụ trách các xã nghèo, rồi tỉnh, huyện, tăng cường cán bộ xuống xã để giúp xã, giúp bản.

Xóa đói giảm nghèo ở vùng cao khác đồng bằng, nó không chỉ là vấn đề kinh tế, phân cực xã hội mà lớn hơn, sâu xa hơn nó còn là chính sách dân tộc. Muốn đồng bào thoát nghèo, trước hết phải quan tâm đến rừng. Phải có chính sách thu hút các nhà đầu tư vào phát triển tiềm năng rừng. Đồng thời đẩy nhanh việc hoàn thành quy hoạch và xây dựng đề án nông thôn mới. Quy hoạch xong sẽ tập trung phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

PV:Là một trong 10 tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước, nhưng dân số chưa đến nửa triệu người. Đất rộng người thưa, lại nằm sát biên giới, canh giữ một vùng đất hiểm yếu của Tổ Quốc, vậy Lai Châu quan tâm đến điều này thế nào?

Ông Lò Văn Giàng: Với điều kiện địa hình như vậy, có thể thấy rằng mỗi người dân Lai Châu đang gánh trên vai một trách nhiệm lớn như thế nào với bờ cõi của ông cha. Vì vậy, ưu tiên số 1 của Lai Châu là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia dài hơn 265 km, nên khi mới tách tỉnh, mặc dù điều kiện hết sức khó khăn song tỉnh vẫn tập trung đẩy nhanh chương trình phân giới cắm mốc và xong trước thời hạn một năm.

Ưu tiên số 2 của Lai Châu là giữ rừng đầu nguồn Sông Đà. Ưu tiên số 3 là xóa đói giảm nghèo, đặc biệt tới đây Lai Châu cần phải vừa thoát nghèo, vừa phát triển bền vững. Vì đồng bào có thoát nghèo mới vươn lên làm giàu và đủ sức giữ đất, giữ bản, đủ nhận thức để không vướng vào dụ dỗ của kẻ xấu.

PV:Để vừa thoát nghèo, vừa phát triển bền vững, Lai Châu đang trăn trở nhất điều gì, thưa ông?

Ông Lò Văn Giàng: Chúng tôi đang trăn trở nhất là vấn đề giao thông, bởi vì hiện nay nhiều tuyến Quốc lộ như 12, 132 nối từ Điện Biên với Lai Châu, Lai Châu với Hà Nội còn rất khó khăn. Thứ hai là chính sách lâm nghiệp hiện nay làm sao phải có sự thay đổi căn bản để làm sao người dân sống và làm giàu được từ rừng.

Cây cao su là cây đa mục đích nên chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư cho cao su để tăng độ che phủ rừng. Điều thứ ba là phần để lại của các nhà máy thủy điện cho địa phương. Thủy điện Lai Châu sắp hoàn thành, đề nghị Trung ương xem xét để lại cho Lai Châu hai khoản thu: Một là thuế thu nhập của doanh nghiệp, hai là thuế giá trị gia tăng từ các thủy điện lớn.

Trăn trở nữa của tôi là làm sao cơ sở vật chất trường lớp học ở các xã  vùng sâu, vùng xa tiếp tục được bố trí nguồn vốn để kiên cố hóa. Giải quyết được 4 cái này thì Lai Châu sẽ xóa nghèo và phát triển bền vững.

 PV: Xin cảm ơn ông./.